Đôi khi việc tự gây dựng kinh doanh lại khiến bạn lưỡng lự phát triển ý tưởng kinh doanh của mình. Bạn cần phải tiêu tiền để làm ra tiền. Dưới đây là những nguồn tài chính thường thấy nhất.
Nguồn tài chính
Khoản tiết kiệm của bạn: Lúc này trong đầu bạn luôn nghĩ tới việc phải tiêu những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình. Đây cũng là dấu hiệu tốt vì các nhà đầu tư khác có thể muốn kinh doanh cùng bạn khi họ biết bạn sẽ cùng chấp nhận rủi ro với họ.
Tuy nhiên, đừng tiêu hết khoản tiền tiết kiệm, hãy giữ lại một ít. Nguyên tắc bất di bất dịch là bạn thường cần nhiều tiền hơn bạn nghĩ. Do đó, giữ lại một ít tiền giúp bạn yên tâm hơn vì biết mình còn một khoản tiền giắt lưng trong trường hợp khẩn cấp.
Bí quyết doanh nhân: Hãy thường xuyên tiết kiệm
Hãy để dành một khoản tiết kiệm mỗi tháng. Nó giúp bạn hạn chế tiêu tiền khi không cần thiết.
Giảm thuế: Nếu đã đóng thuế vài năm thì bạn có thể được xem xét giảm thuế khi bạn công việc kinh doanh của bạn không thu được lợi nhuận trong năm đầu.
Gia đình và bạn bè: Đây chính là chỗ cho vay tiền rẻ nhất. Tuy nhiên, món nợ tình cảm lại rất lớn. Nếu bạn có ý định mượn tiền của bạn bè và gia đình, hãy thực hiện chuyên nghiệp. Hãy thảo ra một bản thỏa thuận trong đó nói rõ sẽ nhận được gì từ khoản đầu tư và kế hoạch trả tiền của bạn như thế nào.
Bí quyết doanh nhân: Thận trọng với thẻ tín dụng
Có rất nhiều câu chuyện về những doanh nhân Mỹ táo bạo và quyết tâm khởi nghiệp bằng việc mượn rất nhiều tiền từ thẻ tín dụng. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng thật sự lại rất rủi ro và tốn kém. Rủi ro ở chỗ bạn sẽ rơi vào vòng xoáy nợ nần, sử dụng một thẻ này để trả tiền cho thẻ khác và luôn phải chịu mức lãi suất cao. Bạn không cần thiết phải chịu áp lực đó.
Nhà đầu tư mạo hiểm: Bất kỳ ai cho rằng việc bỏ tiền ra kinh doanh rất dễ dàng là ý tưởng hay thì nên đọc cuốn Boo Hoo viết về sự phát triển và sụp đổ của trang web boo.com. Ngay khi mới đi vào hoạt động, trị giá của trang web đã gần như tăng gấp đôi do một nhà đầu tư mạo hiểm đã đọc nhầm ký hiệu đô-la thành ký hiệu đồng bảng trong máy fax, và rồi lại chuyển giá trị đó ngược trở lại đồng đô-la. Nhưng thực tế bạn sẽ không bao giờ tìm thấy việc tương tự như thế cho doanh nghiệp của bạn. Các nhà đầu tư luôn có những yêu cầu rất cao khi đem tiền đi đầu tư. Về cơ bản, họ thường tìm kiếm lối thoát cho khoản đầu tư của mình (sau ba năm họ sẽ tìm cách rút tiền khỏi doanh nghiệp bằng cách bán doanh nghiệp, bán cổ phần hoặc thả trôi doanh nghiệp).
Những cách thu hút vốn hấp dẫn hơn là:
Quý nhân kinh doanh: Đó là tham gia vào chương trình “Khởi nghiệp”1. Quý nhân trong kinh doanh thường là cá nhân giàu có (hoặc đôi khi là một tổ chức); họ sẽ đầu tư lâu dài cho hoạt động kinh doanh của bạn. Giống như nhà đầu tư mạo hiểm, người này sẽ đòi hỏi cổ phần trong doanh nghiệp. Lợi nhuận của họ sẽ thường mang tính cá nhân trong doanh nghiệp đó và họ sẽ được cắt giảm thuế cho khoản đầu tư của mình.
Một điều quan trọng nữa là ngoài nguồn vốn họ còn có kinh nghiệm chuyên môn. Quý nhân này thường có một bề dày thành tích đáng nể trong kinh doanh. Chính vì vậy, họ có thể trợ giúp bạn trên con đường kinh doanh cũng như giới thiệu bạn với rất nhiều nhân vật quan trọng cho hoạt động kinh doanh của bạn.
Có rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng mà bạn có thể tiếp cận. Hoặc bạn có thể đã biết một nhân vật giàu có nào đó có thể vừa kiếm được lợi nhuận vừa có hứng thú với công việc kinh doanh của bạn.
Iain McGlinn có một gara ôtô nhỏ. Một người bạn của anh thành lập cửa hàng bán các sản phẩm làm đẹp và muốn anh chung vốn. Anh đã góp 4.000 bảng, tương đương 25% vốn góp. Khi công ty đó được bán đi, Iain kiếm được 150 triệu bảng cho cổ phần của mình.
Ngân hàng: Sớm hay muộn thì bạn cũng sẽ đến ngân hàng, dù là đến để gửi tiền tiết kiệm hay khúm núm vay tiền.
Nhiều người cảm thấy căng thẳng khi đến ngân hàng. Bí quyết là hãy coi ngân hàng là những “cửa hàng kinh doanh tiền”: họ muốn “bán tiền” để có một triển vọng tốt đẹp hơn – họ chỉ có thể có được lợi nhuận từ lãi xuất của khoản tiền cho vay.
Làm thế nào để ngân hàng cho bạn vay tiền
Họ cho tôi một cái ô khi trời tạnh và lấy lại nó khi trời mưa.
Đây là lời nhận xét nhiều nhất về ngân hàng. Trong cuộc suy thoái kinh tế, nhiều ngân hàng đã có quyết định cho vay thiếu sáng suốt. Tuy nhiên, bây giờ họ đã thận trọng hơn khi hành động. Công việc kinh doanh của họ không phải là để làm từ thiện. Xét cho cùng, việc này tùy thuộc vào bạn khi không muốn nó xảy ra với mình.
Chuẩn bị kế hoạch kinh doanh: Bước đầu tiên là cho họ thấy quyết tâm của bạn (xem lại Chương 8). Xuất hiện trước họ với một phong cách chuyên nghiệp. Hãy cho họ thấy bản kế hoạch kinh doanh của bạn thật sự nghiêm túc. Nếu bạn chỉ ra mình có nhiều nguồn tài chính khác nhau như khoản tiết kiệm, từ các nhà tài trợ khác hay đơn đặt hàng của khách hàng thì họ sẽ cảm thấy tin tưởng hơn.
Hãy khảo giá sản phẩm: Giống như mọi mặt hàng khác, khi muốn “mua”, bạn cần phải đi khảo giá. Nếu không có một ngân hàng nào chấp nhận thì bạn cũng đừng lo lắng. Còn có nhiều nguồn tiền khác và chúng sẽ không mất quá nhiều chi phí.
Hãy đưa ra lời đề nghị sớm: Nếu một người bạn đang trong trạng thái tuyệt vọng muốn vay bạn một khoản tiền, dù rất thông cảm nhưng liệu bạn có cảm thấy không lo lắng khi cho họ vay không? Bí quyết là luôn đề nghị vay nhiều hơn số tiền bạn cần và phải đưa ra đề nghị từ sớm. Ngân hàng sẽ rất ấn tượng với cách làm việc cẩn trọng và một kế hoạch lâu dài của bạn.
Giữ liên lạc: Đối với bất kỳ khách hàng hay nhà cung cấp nào cũng vậy, điều quan trọng là cần phải duy trì mối quan hệ tốt. Khi bạn bắt đầu công việc kinh doanh, hãy gửi thông báo hoặc bài báo có thông tin về công ty bạn cho ngân hàng. Sẽ dễ dàng hơn khi cho một người quen vay tiền, đó là sự yêu quý và tin tưởng.
Matt, người ở cùng phòng thời đại học với tôi có quan hệ rất tốt với người quản lý ngân hàng của mình. Sau mỗi kỳ nghỉ cậu đều gửi những bức ảnh tuyệt đẹp về đất nước mà cậu đã đi tham quan cho người quản lý ngân hàng và thường thì ông ta rất thoải mái gia hạn cho khoản chi trội khá lớn của Matt. Ngoại trừ lần cuối cùng khi cậu trở lại, người quản lý đã không còn làm việc. Hiển nhiên là ông ta đã xin nghỉ hưu sớm để đi du lịch.
Quỹ đầu tư IDG của Việt Nam
IDG Ventures là một chuỗi quỹ đầu tư mạo hiểm có mạng lưới toàn cầu đang quản lý hơn 3,7 tỷ đô-la. Trong 15 năm qua, các quỹ này đã đầu tư vào hơn 220 công ty. Hệ thống IDG Ventures gồm sáu quỹ đầu tư hoạt động độc lập ở Bắc Mỹ và châu Á. Mỗi quỹ đầu tư đại diện cho tập đoàn của mình là International Data Group (IDG) – tập đoàn truyền thông công nghệ thông tin lớn nhất thế giới, được toàn quyền quyết định việc đầu tư.
Đặc thù của đầu tư mạo hiểm là đầu tư vào các công ty mới khởi nghiệp hoặc mới hoạt động trong khoảng thời gian hai đến bốn năm, đang trong thời kỳ xây dựng sản phẩm và thị trường. IDG Ventures Việt Nam chủ yếu đầu tư vào công ty tư nhân. Quỹ sẽ xem xét và thẩm định mọi kế hoạch đầu tư đối với việc phát triển tiềm năng, cơ hội trên thị trường, đội ngũ quản lý và người lãnh đạo, vị trí cạnh tranh. Ước tính sự đầu tư chi phí cho những công ty sẽ được chia ra như sau: 40% cho giai đoạn đầu, 40% cho giai đoạn giữa, 20% cho giai đoạn đã và đang phát triển.
IDG lựa chọn công ty để đầu tư dựa trên các tiêu chí đầu tư đã được định rõ. Đặc biệt, để được đầu tư, một công ty cần đáp ứng các tiêu chí sau:
- Có đội ngũ điều hành tài năng với tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm và quyết tâm để xây dựng một công ty thành công.
- Có sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại lợi nhuận vượt trội với việc phân khúc thị trường rõ ràng.
- Có khả năng sử dụng lợi thế về công nghệ và thương mại để giữ ưu thế của mình trên thị trường.
- Am hiểu địa lý, phong tục tập quán của thị trường cũng như sở thích khách hàng.
- Có khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường.
- Tuân theo những tiêu chuẩn quốc tế về tính minh bạch trong họat động và tài chính.
IDGV bắt đầu vào Việt Nam từ năm 2004. Trong năm năm đầu tiên, số vốn mà quỹ này dự kiến dành cho thị trường Việt Nam là khoảng 100 triệu đô-la. Năm năm tiếp theo, số vốn dự kiến tăng thêm gấp ba, tùy thuộc vào kết quả đánh giá khi kết thúc giai đoạn 1. Sau ba năm hoạt động, quỹ đã đầu tư vào hơn 25 công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông, trong đó, rất nhiều dự án tiêu biểu trong lĩnh vực Internet như: yeuamnhac.com (âm nhạc trực tuyến), Goldsun Focus Media (quảng cáo trên màn hình LCD), zing.vn, baamboo.com (tìm kiếm trực tuyến), diadiem.com (bản đồ trực tuyến), 123mua.com.vn, chodientu.vn (thương mại điện tử), sanotc.com, vietstock.com (thông tin chứng khoán), cyworld.vn (mạng xã hội), clip.vn (chia sẻ video trực tuyến).
10.000 tỷ đồng đầu tư để thanh niên học nghề và lập nghiệp
Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và lập nghiệp với tổng lượng vốn đầu tư cho năm năm tới (2008-2012) là 10.000 tỷ đồng!
Theo đó, Chính phủ đã thống nhất giao cho Trung ương Đoàn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, VTV và các cơ quan chức năng triển khai chương trình tuyên truyền vận động trong ba năm (2008-2010) nhằm tạo chuyển biến nhận thức trong xã hội.
Một phần quan trọng của nội dung tiếp theo là tổ chức tôn vinh doanh nghiệp trẻ và những người làm kinh tế giỏi. Chính phủ cũng đã nhất trí triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi để hỗ trợ, bồi dưỡng doanh nhân trẻ khởi sự. Theo chương trình này, sẽ có khoảng 20.000 đến 25.000 thanh niên được hỗ trợ để khởi sự doanh nghiệp.
Hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp là một chương trình lớn. Trung ương Đoàn sẽ phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để xây dựng chiến lược này. Mục tiêu của chương trình này là thúc đẩy thanh niên có khát vọng lập nghiệp và làm giàu.
Đối với chủ doanh nghiệp là thanh niên, chương trình cũng sẽ hỗ trợ họ về những kiến thức kinh doanh và luật pháp trong nước và quốc tế với mong muốn giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất kinh doanh.
No comments:
Post a Comment