Doanh nghiệp của bạn đang phát triển và hoạt động tốt. Bạn có doanh thu. Bạn biết tiền ở đâu. Đã đến lúc bạn phải lấy bản kế hoạch kinh doanh của mình ra khỏi ngăn kéo và đọc lại một lần nữa. Đã đến lúc bạn phải nghĩ liệu mình có đang đi đúng chiến lược phát triển doanh nghiệp không.
Từ “chiến lược” nghe có vẻ to tát với một doanh nghiệp nhỏ, nhưng thậm chí nếu bạn chỉ viết ra một vài suy nghĩ vào mặt sau của một bao thuốc, điều đó cũng chứng tỏ bạn đã không ngừng suy nghĩ về định hướng kinh doanh của mình. Vấn đề phổ biến ở đây là:
Chủ doanh nghiệp nhỏ dành quá nhiều thời gian trong văn phòng mà không có thời gian ra ngoài thực tế.
Câu chuyện của hãng Shell ở phần đầu có thông điệp là những doanh nghiệp thành công đã phải thay đổi và điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Hãy cân nhắc vấn đề sau:
Tom Hunter, một sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành kế toán thuộc Đại học Strathclyde đã không thể tìm được việc. Anh bị các công ty và rất nhiều doanh nghiệp nhỏ từ chối. Do vậy, anh quyết định khởi nghiệp từ gara ôtô của bố mình. Anh nghĩ rằng sẽ có thị trường cho giày tập thể thao. Với một ý định nghiêm túc song bị mọi người coi là trò đùa, anh viết thư đến các cửa hàng nói rằng công ty của anh là một công ty giày dép đang phát triển nhanh và muốn có quầy hàng trong cửa hàng của họ. Ba cửa hàng đồng ý, và trong nhiều tháng, anh lái xe khắp cả nước để giao hàng và chỉ còn vài giờ ngủ phía sau xe tải, giữa những thùng giày.Công việc đã có kết quả, theo thời gian, anh đã gây dựng và nhượng quyền cho khoảng 40 cửa hàng. Chỉ đến lúc đó anh mới quyết định mở quầy hàng của riêng mình với thương hiệu Sports Division. Mọi việc tiến triển tốt và trong năm 1995, anh đã có cơ hội mua lại hãng giày Olympus Sports đang bị suy thoái. Ba năm sau, Tom Hunter bán doanh nghiệp của mình với giá 290 triệu bảng và anh thu về 260 triệu bảng.Khi nói về chiến lược của mình, Tom chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ có một mục tiêu cụ thể trong đầu khi mới kinh doanh, tôi chỉ muốn phát triển. Có một logic cụ thể giữa kinh doanh và thái độ của chúng ta là muốn làm việc, làm một việc tại một thời điểm và xem nó tiến triển như thế nào.”
Một số bí quyết đơn giản về chiến lược
Dưới đây là một số điều quan trọng cần phải nhớ về chiến lược.
Chuyên tâm với nhu cầu của khách hàng: Điều này nghe có vẻ hiển nhiên. Bởi có rất nhiều công ty (đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin) đã rơi vào cái bẫy “Triệu chứng đồ sáng loáng”. Họ đam mê với việc làm cho sản phẩm trở nên đáng yêu, bóng bẩy mà hoàn toàn quên mất lý do vì sao khách hàng muốn sản phẩm đó từ phút ban đầu. Hãy nhớ, nhu cầu về kiểu dáng có thể thay đổi nhanh chóng. Do vậy, chiến lược tốt ở đây là bắt đầu với việc kiểm tra mong muốn của khách hàng trong một thế giới lý tưởng.
Trong những công ty thành công, chiến lược thường khởi nguồn từ những nhân viên được tiếp xúc với thực tế, chứ không phải trong phòng quản lý. Không ai gần gũi và hiểu mong muốn của khách hàng hơn người thu ngân.
Cẩn thận với Luật của những hậu quả không lường: Douglas Adams, tác giả cuốn Hitchhiker’s Guide to the Galaxy (Hướng dẫn đến thiên hà), đã đưa ra luật này. Ông quan sát rất tinh tường nhiều công nghệ và nhiều công ty, hầu hết kết thúc gần như trái ngược với những dự định ban đầu của họ.
Ví dụ, một công ty máy tính cho ra đời một chương trình không gian, mạng Internet đã được thiết kế như là mạng phòng thủ dân sự trong trường hợp chiến tranh hạt nhân (và giờ đây lại là một trong những mối đe dọa đến an ninh quốc gia). Đài BBC đã thiết lập các cụm nhà máy không dây để bán sóng của đài nhiều hơn. Mới gần đây, hãy nhìn vào điện thoại di động – một đống tiền đã được tiêu vào công nghệ cao 3G, nhưng sự phát triển lớn nhất nằm ở những tin nhắn nhỏ vụn vặt. Mối nguy hại ở chỗ bạn dành quá nhiều thời gian giam mình trong phòng thí nghiệm để phát minh những thứ thật tuyệt vời mà không kiểm chứng xem khách hàng thật sự mong muốn điều gì.
Dành thời gian và không gian để thử sai: Bạn khó có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng ngay lập tức, vì vậy hãy bắt đầu việc kinh doanh với giá rẻ; dành thời gian để tìm ra thứ khách hàng thật sự muốn.
Chia sẻ kế hoạch: Việc giải thích kế hoạch của bạn cho một ai đó để có thể khiến cho nó rõ ràng hơn trong đầu bạn. Đừng giữ nó trong đầu, như rất nhiều người mới khởi nghiệp nói:
Tôi không muốn nói với ai ý tưởng của tôi vì họ có thể ăn cắp và tự thực hiện nó.
Hãy nhớ, thành công là 1% cảm hứng và 99% mồ hôi công sức. Đừng đánh giá quá cao ý tưởng của mình, cũng như đừng cho rằng người khác sẽ lười biếng.
Có được lời khuyên đúng đắn
Khởi nghiệp cũng giống như cố gắng leo núi chỉ với quần soóc, dép tông và tấm bản đồ trong tay. (Trích lời doanh nhân Gio Benedetti)
Khi bắt đầu kinh doanh, bạn dường như bước vào một đất nước xa lạ, nhưng không hẳn là như vậy. Hàng triệu người đã ở đó trước bạn. Nhiều người có công việc kinh doanh giống bạn. Thậm chí là ở những lĩnh vực kinh doanh khác nhau thì vẫn sẽ có những kiến thức đáng giá. Tôi rất tâm đắc với câu nói:
Lời khuyên của những doanh nhân dày dạn kinh nghiệm quý như vàng.
Những người như vậy thường được gọi là người cố vấn, và đó là người mà bạn rất mong muốn trở thành. Vậy thì làm thế nào để bạn tìm được một người như vậy?
Làm thế nào tìm được người cố vấn
Hãy mời cô dâu khiêu vũ.
Tôi đã hỏi một cô dâu mới là cô thấy đám cưới của mình thế nào. Cô nói rằng cô rất thất vọng vì không ai mời mình khiêu vũ. Đó cũng chính là lý do vì sao các siêu mẫu thường hẹn hò với những người có vẻ ngoài khá kỳ quặc. Những người bình thường đều rụt rè nên không dám hỏi. Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn tìm được một doanh nhân có thể làm cố vấn cho bạn:
Bước 1: Hình dung về những công việc của người này trong đầu. Hãy nghĩ về những kinh nghiệm và lời khuyên bạn cần. Đó là lời khuyên chung chung về cách xây dựng một doanh nghiệp từ vạch xuất phát, hay một lời khuyên sáng suốt cho lĩnh vực kinh doanh của riêng bạn hay thị trường mục tiêu địa phương? Ví dụ, nếu bạn đang gây dựng một quán cà phê, hãy nói chuyện với chủ một cửa hàng quần áo trong khu vực mà có thể nói cho bạn biết ai đó đang điều hành một cửa hàng nhượng quyền McDonald ở một nơi hoàn toàn khác biệt ở trong nước. Ngay lập tức đừng có nghĩ: “Tôi muốn trở thành doanh nhân, tôi phải hỏi chuyện Richard Branson.”
Bước 2: Khi bạn đã có nhận xét tốt về người cố vấn, hãy hỏi mọi người xung quanh: gia đình, người quản lý ngân hàng, Phòng thương mại, nhà cung cấp, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, khách hàng. Thậm chí nếu việc đó là không thể, hãy nhớ về Luật về Bảy mức độ chia tách – một lý thuyết nói rằng mọi người trên thế giới này đều được liên kết với nhau theo bảy bước. Ai đó sẽ biết một người nào đó mà người này lại biết một người khác. Bạn chỉ cần có tư duy rõ ràng về những gì bạn muốn.
Bước 3: Thuyết phục họ đồng ý. Đây không phải là vấn đề về tiền mà là thời gian họ dành cho bạn miễn phí – hầu hết những người cố vấn tốt nhất sẽ muốn làm điều đó nếu bạn nói với họ về ý tưởng của mình.
Tuy nhiên, cũng có một số nguyên tắc trong việc tìm kiếm người cố vấn:
- Đừng sợ đặt câu hỏi. Rất nhiều doanh nhân thành công nói rằng họ mong muốn được giúp những người trẻ, nhưng không ai chịu hỏi. Các doanh nhân đều có cái tôi rất lớn và thích được làm cho nó trở nên bóng bẩy hơn bằng cách truyền đạt lại sự khôn ngoan cho những thế hệ sau.
- Trực tiếp hỏi họ. Đừng đăm chiêu nhìn lên trần nhà và thở dài: “Ôi, ước gì mình có thể tìm thấy một người cố vấn…”. Điều tệ nhất họ có thể làm là nói không – và họ có thể sẽ cảm thấy áy náy khi từ chối và sẽ giới thiệu người khác.
Khi bắt đầu hãng kinh doanh điện thoại di động DX Communication, Richard Emmanuel đã viết một bức thư tới Ngài Tom Farmer, người sáng lập Kwik-Fit để xin lời khuyên. Anh giật mình khi ngay lập tức nhận được câu trả lời là có thể nói chuyện trực tiếp được không. Kể từ đó, họ đã hợp tác với nhau trong khá nhiều dự án kinh doanh. Dù là một doanh nhân thành công nhất Scotland, Tom vẫn nói rằng mọi người hiếm khi hỏi xin ông lời khuyên. (Đây có thể là một ý kiến hay nếu tất cả chúng ta không ngay lập tức cầm điện thoại gọi điện cho ông).
- Đừng hỏi họ về tiền.
- Đừng làm mất nhiều thời gian của họ. Đối với người thành công thì nguồn lực hiếm hoi nhất của họ chính là thời gian. Đừng trang trọng hóa mối quan hệ, cũng đừng đòi hỏi quá nhiều và quá thường xuyên: 20 phút cho một lời khuyên đáng giá còn hơn mỗi tuần 3 tiếng xin lời khuyên từ một ai đó. Tương tự, đừng làm họ chán nản bằng những câu hỏi tủn mủn nhỏ nhặt – hãy hỏi họ những câu hỏi mang tính chiến lược.
Vì sao lại chỉ dừng ở một người cố vấn? Không có lý do gì để bạn không thể có nhiều người cố vấn. Một nhóm cố vấn tốt có thể là họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp hay một ai đó đang làm kinh doanh. Tốt nhất là bạn dành thời gian ngồi xuống và suy nghĩ về công việc kinh doanh của bạn và cố gắng giải thích điều đó với một người khác.
Cố vấn Ninja
“Tôi thấy thật khó để tìm được ai đồng ý làm cố vấn cho mình.” (Vikki, đang thành lập một công ty PA)
Tôi nhận được nhiều thư phản hồi về vấn đề cố vấn hơn bất kỳ chủ đề nào trong cuốn sách này. Tôi sẽ trình bày một cách tiếp cận mới mà tôi gọi là “Cố vấn Ninja”.
“Cố vấn Ninja” hàm ý là có một người trở thành cố vấn cho bạn mà họ không nhận ra. Hay nói cách khác là “sự gần gũi có cơ sở”.
Đề nghị một người tương đối xa lạ làm cố vấn cho bạn gần giống như việc trao nhẫn cưới trong lần hẹn hò đầu tiên. Nó trở nên quá nhanh và nặng nề. Thay vào đó, chỉ gọi điện hoặc viết thư xin lời khuyên khi bạn cảm thấy bế tắc. Bạn có thể mời họ đi uống cà phê sau lần khuyên thứ ba hoặc thứ tư. Trước khi bạn biết điều đó, bạn cần phải có cố vấn và họ thậm chí cũng không nhận ra.
Họ có ăn cắp . tưởng của tôi không?
“Vị cố vấn cho công việc kinh doanh của tôi nói tôi sẽ không thể thành công và khuyên tôi nên bán sản phẩm của mình cho ông và làm việc cho ông ấy.” (France, làm trong ngành xuất bản)
Bạn thường lo lắng người cố vấn sẽ lấy cắp ý tưởng của bạn. Dù vậy, bạn không thể buộc tội họ. Tôi thường gặp một số người xin lời khuyên nhưng họ không trình bày bất kỳ điều gì về công việc kinh doanh của mình. Điều này khiến tôi rất khó có thể giúp đỡ họ.
Hãy luôn ghi nhớ lời khuyên sau:
Lợi thế cạnh tranh duy nhất của chúng tôi là đã đi trước đối thủ sáu tháng.
Đấy là lời của chủ tịch một trong năm ngân hàng lớn nhất thế giới. Chín trong mười lần, điều khiến công việc kinh doanh của bạn thành công là khả năng xảy ra tức thời. Đừng thấy ý tưởng của mình quý báu quá mà giữ khư khư.
Xin lời khuyên của các chuyên gia và nhà tư vấn
Nếu bạn có thể có được lời khuyên tốt miễn phí từ họ thì tại sao bạn phải trả tiền?
Tuy nhiên, những chuyên gia giỏi, dù là luật sư, nhà thiết kế, quản lý, marketing hay tư vấn nghề nghiệp thì thường có nhiều năm kinh nghiệm trong một lĩnh vực cụ thể. Họ có thể giúp bạn tiết kiệm hàng tháng trời loay hoay. Vì thế, bạn nên sẵn sàng trả tiền tư vấn cho họ.
Hiển nhiên là, các nhà tư vấn thường có tiếng xấu. Song thường thì là do cách sử dụng không hiệu quả những lời tư vấn chứ không phải do tư vấn tồi. Vấn đề là khi họ trở thành một phần công việc kinh doanh của bạn thì bạn thường dựa vào họ khi đưa ra quyết định.
Luôn sử dụng những nhà cố vấn tốt nhất có thể, nhưng sử dụng họ một cách tiết kiệm và trong những lĩnh vực họ giỏi nhất. Khi họ bắt đầu tư vấn sự khôn ngoan của mình cho người khác – hãy loại họ ngay. Điều đó không hề cay nghiệt chút nào, vì bất kỳ người tư vấn giỏi nào cũng sẽ có xu hướng chuyển sang khách hàng mới dù tình hình như thế nào chăng nữa.
No comments:
Post a Comment