Chinh Phục Mục Tiêu - Goals! Chương 12

Quan điểm của bạn về cuộc sống, sự đánh giá giá trị bản thân bạn phần lớn chịu ảnh hưởng từ môi trường xung quanh. Toàn bộ sự nghiệp của bạn có thể được điều chỉnh, định hình, và đúc kết bởi đặc tính của những người mà bạn tiếp xúc hàng ngày.
- Orison Swett Marden
Mọi việc trong cuộc sống và công việc đều liên quan đến các mối quan hệ. Mọi việc bạn đạt được hay thất bại đều có liên quan đến những người khác theo một cách nào đó. Khả năng hình thành những mối quan hệ với người khác trong các giai đoạn cuộc sống và sự nghiệp của bạn sẽ là yếu tố then chốt có tính quyết định đến thành công và thành tựu của bạn, và nó cũng có tác động mạnh mẽ đến tốc độ bạn có thể hoàn thành các mục tiêu của mình.
Càng có nhiều mối quan hệ tích cực, bạn sẽ càng có khả năng thành công trong mọi việc mà bạn cố gắng. Một người, tại một thời điểm phù hợp, ở một nơi phù hợp, có thể mở ra một cánh cửa cho bạn, có thể thay đổi cuộc đời bạn và giúp bạn rút ngắn thời gian hoàn thành mục tiêu.
KHÔNG AI THÀNH CÔNG MỘT MÌNH
Một phần quan trọng trong việc xác lập mục tiêu là bạn phải nhận diện những người, nhóm người và tổ chức mà bạn có thể cần sự giúp đỡ của họ trong quá trình chinh phục mục tiêu. Để hoàn thành bất kỳ mục tiêu nào, bạn sẽ cần đến sự giúp đỡ của rất nhiều người. Họ là ai?
Có ba loại người mà bạn cần đến sự hỗ trợ và hợp tác trong những giai đoạn sắp tới. Đó là những người bên trong và xung quanh công ty bạn, gia đình và bạn bè của bạn, và những người thuộc các nhóm hay tổ chức xã hội. Bạn cần phát triển một chiến lược nhằm thu hút quan hệ với từng nhóm một cách hiệu quả nhất.
NHỮNG MỐI QUAN HỆ THEN CHỐT
Hãy bắt đầu bằng việc xác định: Ai là những người quan trọng nhất đối với công việc của bạn? Bạn có kế hoạch gì để phát triển những mối quan hệ
chất lượng cao hơn đối với họ? Hãy viết ra một danh sách những người làm việc bên trong hay bên ngoài tổ chức của bạn – sếp, đồng nghiệp, đồng sự, thuộc cấp, và đặc biệt là khách hàng, nhà cung cấp hay đối tác. Ai trong số những người này có khả năng lớn nhất giúp đỡ hay cản trở bạn hoàn thành mục tiêu?
NHẬN DIỆN KHÁCH HÀNG
Một người được nhận diện là khách hàng của bạn khi bạn phải dựa vào họ để thành công hay tiến bộ trong công việc. Một khách hàng cũng có thể được định nghĩa là bất cứ người nào có quan hệ tác động qua lại với bạn theo một cách nào đó. Với cách hiểu thế này, hầu hết mọi người xung quanh bạn đều là một khách hàng theo một nghĩa nào đó.
Ví dụ, sếp bạn là một khách hàng trực tiếp tại công ty. Khả năng thỏa mãn yêu cầu của sếp sẽ có tác động rất lớn đến tương lai, thu nhập và sự nghiệp của bạn hơn bất cứ khả năng nào mà bạn có. Nếu bạn làm thất vọng tất cả những người khác nhưng sếp bạn lại cảm thấy thích việc bạn làm, bạn sẽ an toàn và đảm bảo được công việc của mình. Nếu bạn làm hài lòng tất cả những người bên trong và bên ngoài công ty, nhưng sếp của bạn lại không hài lòng về bạn, vấn đề này có thể làm “nghẽn” tương lai của bạn.
CHIẾN LƯỢC DỊCH VỤ KHÁCH HÀNG
Một trong những chiến lược tốt nhất mà bạn có thể sử dụng là lập ra một danh sách tất cả mọi vấn đề mà bạn tin rằng bạn được tuyển dụng để thực hiện. Hãy trả lời câu hỏi: “Tại sao mình lại được trả lương?” và viết ra tất cả các đáp án có khả năng làm thỏa mãn câu hỏi này. Sau đó, hãy mang danh sách này đến chỗ sếp bạn và nhờ ông/bà ấy tổ chức lại danh sách này theo thứ tự ưu tiên cần thiết. Điều gì quan trọng nhất đối với sếp bạn? Điều quan trọng thứ hai là gì? Điều quan trọng thứ ba? Và cứ thế.
Kể từ thời điểm đó về sau, hãy khép mình vào kỷ luật để tập trung vào công việc.
HAI PHẨM CHẤT QUAN TRỌNG ĐỂ THĂNG TIẾN
Trong một khảo sát do tạp chí Success tiến hành vài năm trước, 104 vị giám đốc điều hành (CEO) đã được giới thiệu về 20 phẩm chất của một nhân viên lý tưởng và được yêu cầu chọn yếu tố quan trọng nhất. 86% các nhà điều hành cao cấp đã chọn ra 2 yếu tố được xem là quan trọng nhất mà họ mong nhân viên mình có: Trước tiên là khả năng thiết lập được công việc ưu tiên cần thực hiện, tách biệt những điều thích hợp khỏi những điều không thích hợp. Thứ hai là khả năng hoàn thành công việc nhanh chóng, linh hoạt.
Điều này chứng tỏ rằng, chẳng có gì có thể giúp bạn nhiều hơn trong sự nghiệp của mình bằng cách tạo ra uy tín về năng lực trong công việc.
THỰC HIỆN NHỮNG CÔNG VIỆC KHÔNG PHÙ HỢP?
Nhiều người làm việc rất chăm chỉ trong lĩnh vực của mình, nhưng họ không muốn tiến hành những công việc mà họ không thích hoặc do người khác yêu cầu. Đôi khi những quyết định này lại dẫn đến hậu quả không như mong muốn. Việc cởi mở và sẵn sàng làm nhiều công việc khác nhau theo chế độ ưu tiên có thể giúp bạn xây dựng thêm uy tín cho mình, đặc biệt nếu đó là công việc sếp yêu cầu và được đặt vào vị trí ưu tiên số 1.
Khi nhận bất cứ công việc nào, mà cảm thấy mình vẫn có khả năng hoàn thành, hãy nhanh chóng tiến hành công việc. Chẳng có gì có thể làm cho sếp bạn hài lòng hơn là có được những trợ thủ năng động có khả năng hoàn thành công việc một cách nhanh chóng. Hãy cố gắng trở thành người như vậy.
NHỮNG KHÁCH HÀNG QUAN TRỌNG KHÁC
Đồng nghiệp - những người có quan hệ với công việc của bạn, cũng là những khách hàng của bạn.
Hãy trao đổi với từng người trong số họ và hỏi họ liệu bạn có thể giúp gì cho họ hay không. Đồng thời, hỏi họ liệu có bất cứ công việc gì mà bạn có thể làm nhiều hơn hay ít đi, bất cứ việc gì bạn nên bắt đầu hay dừng thực hiện mà có thể giúp cho công việc của họ tốt hơn?
Sự thực là mọi người thường nghĩ về bản thân và về công việc của riêng mình. Bất cứ lúc nào bạn đề nghị giúp đỡ để họ làm việc tốt hơn hay nhanh hơn, họ sẽ rất cởi mở và sẵn sàng giúp bạn sau này. Quy luật Nhân – Quả không phải là quy luật Quả – Nhân. Rõ ràng có trật tự định sẵn cho quy luật này. Trước hết bạn hãy “cho”, sau đó bạn có thể “nhận”. Trước hết bạn “gieo hạt”, sau đó bạn sẽ được “thu hoạch”.
Bạn nên tìm kiếm mọi cơ hội để có thể giúp người khác hoàn thành tốt công việc của họ. Mọi nỗ lực mà bạn thực hiện nhằm giúp đỡ những người khác sẽ quay trở lại với bạn bằng một cách nào đó, vào một thời điểm nào đó, và thường là khi bạn ít mong đợi nhất.
Hãy phát triển uy tín của bạn như một người
“sẵn sàng cho”, cũng như luôn khát khao thành công.
Hãy tìm cách để trở thành một nguồn lực quý giá, đáng tin cậy đối với những người xung quanh bạn, và họ sẽ tự động tìm cách giúp đỡ cũng như ủng hộ bạn khi bạn cần.
HÃY LÀ MỘT THÀNH VIÊN TÍCH CỰC TRONG NHÓM
Có lẽ phẩm chất quan trọng nhất mà bạn có thể phát triển để hướng tới thành công lâu dài trong công việc chính là tính tích cực khi hoạt động trong nhóm. Trong một cuộc nghiên cứu kéo dài nhiều năm ở Đại học Stanford, người ta khám phá ra rằng khả năng hoạt động hiệu quả của nhóm phụ thuộc rất nhiều vào sự năng động của từng thành viên trong nhóm đó.
Điểm rất thú vị là nếu số thành viên năng động chiếm khoảng 20% trong nhóm thì họ có thể thực hiện 80% công việc của nhóm, trong khi 80% thành viên còn lại chỉ đóng góp rất ít trong các kế hoạch và rất hiếm khi đưa ra ý kiến hay tự nguyện làm bất cứ điều gì. Nhiệm vụ của bạn là lọt vào số 20% thành viên tích cực.
Để trở thành một thành viên tích cực trong nhóm, hãy luôn tham dự các cuộc họp với sự chuẩn bị chu đáo. Hãy mạnh dạn bày tỏ ý kiến và đặt câu hỏi. Hãy tích cực tham gia vào công việc đã được phân công. Và khi bạn đề nghị làm một điều gì đó, hãy thực hiện một cách nhanh chóng và hoàn hảo để thể hiện vai trò, giá trị của mình.
SỰ TIN CẬY
Bạn có thể tạo ra một trường năng lượng tích cực và có sức hút quanh mình bằng cách xây dựng uy tín của một người đáng tin cậy trong công việc. Điều nhận được đó là bạn sẽ được giao nhiều việc quan trọng hơn, thẩm quyền cao hơn và phần thưởng tương xứng hơn.
Hãy dành thời gian để tìm hiểu cấp dưới và những người có thứ bậc thấp hơn bạn trong cơ cấu tổ chức của công ty. Hãy nói chuyện và quan tâm đến họ. Hãy đưa ra đề nghị giúp đỡ nếu bạn có thể làm được. Hãy luôn quan tâm khen ngợi và công nhận thành quả làm việc của họ. Bạn sẽ nhận được những kết quả đáng kinh ngạc.
ĐẦU TƯ VÀO HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG QUAN HỆ
Trong một tổ chức, người nào có mối quan hệ thân thiện với hầu hết mọi người trong tổ chức sẽ nhanh chóng vươn lên đỉnh cao. Ban đầu, dường như việc xây dựng các mối quan hệ sẽ tốn rất nhiều thời gian. Nhưng chúng sẽ đem lại kết quả đầy giá trị và xứng đáng qua thời gian.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên mở rộng quan hệ với những người khác trong cùng ngành và với những nhà quản lý ngành. Những người điều hành
và bán hàng chuyên nghiệp thành công nhất thường xuyên kết nối với những bạn đồng ngành và cả những người bạn hoạt động trong các lĩnh vực khác. Họ không ngừng mở rộng các mối quan hệ trong nghề nghiệp và tình bạn.
Hãy thử nhìn vào những doanh nghiệp trong cộng đồng của bạn. Hãy chọn một hoặc hai tổ chức có những người có thể có ích cho bạn trong những năm sắp tới. Hãy tham dự các buổi họp của họ và giới thiệu bản thân bạn để họ biết đến. Một khi bạn đã nghĩ sẽ rất có ích khi trở thành thành viên của một trong những tổ chức này, hãy đăng ký tham gia và bắt đầu tham dự mọi cuộc hội thảo của họ.
Sau đó, hãy tình nguyện làm những công việc được phân công. Ngay cả khi công việc này không được trả lương, chúng vẫn có thể mang lại cho bạn một cơ hội làm việc cùng và thể hiện khả năng trước những người quan trọng khác và họ có thể giúp bạn trong sự nghiệp về sau.
TƯ DUY VÀ HOẠCH ĐỊNH DÀI HẠN
Bạn nên có tầm nhìn dài hạn đối với sự nghiệp của mình. Khi đọc một tờ báo địa phương, hãy liệt kê danh sách những người nổi tiếng trong khu vực bạn đang sống và làm việc. Hãy thu thập tên, chức danh và công việc của 100 người nổi bật nhất trong thành phố của bạn.
Khi bạn có đầy đủ những thông tin này, hãy viết cho mỗi người một bức thư và gởi cho họ một thứ gì đó như một quyển sách, một bài thơ, một tờ báo, hay bất cứ điều gì có thể kích thích sự quan tâm của họ, dựa trên những gì mà bạn đã đọc được về họ.
Mỗi khi bạn nhìn ra một lý do nào đó để giao thiệp với mọi người, hãy gởi cho họ một bức thư ngắn. Đôi khi, tôi gọi một cuộc điện thoại hoặc viết một lá thư cho một nhà quản lý vừa được báo chí nhắc tới cùng việc họ làm. Thường thì tôi không thể liên lạc hay trò chuyện trực tiếp được. Nhưng tôi tiếp tục “gieo hạt”, và không sớm thì muộn cũng đạt được một điều gì đó. Cuối cùng tôi cũng gặp được những người quan trọng trong các dịp giao tế xã hội hoặc trong công việc, và họ sẽ nhớ rằng tôi đã gởi cho họ một bức thư vào tuần trước, tháng trước, hay năm trước.
Một trong những khách hàng của tôi đã nhớ ra rằng tôi đã viết cho ông ấy một lá thư hơn 3 năm trước đó khi chúng tôi lần đầu tiên gặp nhau ở một hội thảo. Ông ấy hỏi: “Chẳng phải anh là người đã viết cho tôi một lá thư về vấn đề… hay sao?”. Sau đó, chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau, gặp gỡ nhau, và rồi chúng tôi đã hợp tác cùng nhau.
HÃY BIẾT CHO ĐI
Có một quy luật là: “Bạn càng sẵn sàng cho đi mà không mong đợi sự đền đáp, thì bạn sẽ càng nhận được nhiều hơn từ những nguồn bạn không ngờ tới”.
Chẳng có nỗ lực nào là vô ích khi bạn cố gắng mở rộng các mối quan hệ của mình. Như những hạt giống, các mối quan hệ cũng cần có thời gian ươm mầm khác nhau. Một số mối quan hệ sẽ mang lại kết quả ngay lập tức, nhưng cũng có những mối quan hệ bạn phải sẵn sàng làm quen với hai từ “kiên nhẫn”.
Tiến sĩ David McClelland ở Đại học Harvard đã nghiên cứu về phẩm chất và đặc trưng của những người thành công trong xã hội. Điều mà ông khám phá ra là sự lựa chọn “nhóm tham chiếu” – những người mà bạn thường giao thiệp – chính là yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định sự thành công hay thất bại của một người hơn bất cứ yếu tố nào khác. Trong khi đó, Zig Ziglar(*) cũng từng nói rằng: “Nếu bạn muốn bay cao như đại bàng, bạn không thể cứ mãi bới đất như gà tây”.
Vì vậy, hãy giao thiệp với những nhóm người mà bạn ưa thích, ngưỡng mộ, tôn trọng và muốn trở thành một người như vậy trong tương lai. Sự lựa chọn nhóm tham chiếu có định hướng mục tiêu, có tinh thần tích cực có thể tạo ra những xung lực mạnh mẽ thúc đẩy sự nghiệp của bạn.
(*) Zig Ziglar: Một trong những diễn giả, đồng thời là tác giả viết về đề tài sống đẹp có ảnh hưởng lớn ở Mỹ. First News đã in hai quyển sách nổi tiếng của ông" Hẹn bạn trên đỉnh thành công" (See you at the top) và “Nghệ thuật bán hàng bậc cao" (Secrets of closing the sale).
ĐIỂM XOAY CHUYỂN
Ở mọi điểm xoay chuyển trong cuộc đời bạn, thường sẽ có một ai đó xuất hiện để chỉ dẫn bạn hướng đi, đóng hay mở cửa cho bạn hoặc sẽ giúp đỡ bạn theo một cách nào đó. Baron de Rothschild(*) đã viết rằng: “Đừng phí thời gian cho những mối quan hệ vô bổ”. Nếu bạn thực sự muốn trở thành người giỏi nhất và hướng đến những vị trí hàng đầu trong lĩnh vực của mình, thì đừng nên phí phạm thời gian quý báu cho những người sống không định hướng. Bạn phải đặt ra những tiêu chuẩn cao trong các mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp, và sẵn sàng từ chối sự thỏa hiệp.
Nhiều người rơi vào những mối quan hệ xấu và hình thành những tình bạn vô bổ khi mới khởi nghiệp. Điều này là bình thường và tự nhiên khi tuổi đời còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm. Nhưng sẽ khó tha thứ nếu cứ tiếp tục ở một vị thế kìm hãm sự phát triển tiềm năng lớn lao của bản thân. Lựa chọn những người mà bạn giao thiệp sẽ mang lại hiệu quả tác động rất lớn đối với mục tiêu bạn đã vạch ra cho mình.
NHỮNG MỐI QUAN HỆ QUAN TRỌNG NHẤT
Nhóm người thứ ba mà bạn có thể nhận được sự hỗ trợ và hợp tác chính là gia đình và bạn bè của
(*) Baron de Rothschild (1909-2007): Doanh nhân, người được xem là “vua tài chính" của nước Pháp.
bạn. Benjamin Disraeli(*) đã từng nói rằng: “Chẳng có thành công nào trong đời sống cộng đồng có thể bù đắp cho thất bại trong gia đình”.
Điều quan trọng là bạn phải đầu tư tất cả thời gian và tình cảm cần thiết nhằm xây dựng và duy trì cuộc sống gia đình có chất lượng cao. Khi cuộc sống gia đình bạn vững chắc và an toàn, với những mối quan hệ ấm áp, yêu thương, bạn sẽ tập trung để làm tốt hơn mọi việc khác ở thế giới bên ngoài.
Ngược lại, nếu có điều gì trục trặc phát sinh trong cuộc sống gia đình do sự thiếu quan tâm hay bỏ bê, không sớm thì muộn nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến những kết quả trong công việc. Chúng có thể hủy hoại sự nghiệp của bạn.
NHỮNG THÁI CỰC CÓ CHỦ ĐỊNH
Nếu bạn phải nỗ lực làm việc để xây dựng sự nghiệp cho mình, một điều chắc chắn rằng bạn phải thảo luận và giải thích điều này rõ ràng với những người trong gia đình. Trong sự nghiệp của bạn, bạn sẽ phải sử dụng “những thái cực có chủ định”. Bởi vì, trong quá trình theo đuổi mục tiêu của mình, có lúc bạn phải dành rất nhiều thời gian cho công việc, các kế hoạch mà không dành đủ thời gian cho những người thân.
(*) Benjamin Disraeli (1804-1881): Nhà văn Anh, thuộc trường phái lãng mạn.
“Những thái cực có chủ định” là định hướng để bạn thảo luận với các thành viên trong gia đình, cho họ hiểu được điều gì đang diễn ra và tại sao bạn lại cố gắng làm điều đó. Hãy sắp xếp để đền bù cho họ về sau bằng cách nghỉ phép hay đi du lịch với gia đình. Nó giúp bạn cân bằng cuộc sống.
TRỞ THÀNH CHUYÊN GIA THIẾT LẬP QUAN HỆ
Sau khi đã xác định những người, nhóm người hay tổ chức mà bạn cần sự hỗ trợ và hợp tác để đạt được mục tiêu của mình, hãy quyết tâm trở thành một chuyên gia thiết lập các mối quan hệ. Hãy luôn đối xử với mọi người thật tử tế, nhã nhặn và thân thiện. Và luôn ghi nhớ quy tắc vàng: Hãy làm cho người khác những điều mà bạn muốn họ làm cho mình.
Nói chung, chiến lược đơn giản nhất là đối xử với mọi người mà bạn gặp, dù ở nhà hay ở công ty, như thể họ là “khách hàng triệu đô”.
Hàng ngày, hãy tìm cách giảm nhẹ áp lực và giúp người khác làm công việc của họ tốt hơn và sống hòa nhã hơn. Điều này sẽ xây dựng nên một kho chứa tình cảm tích cực dành cho bạn, và nó sẽ trở nên hữu ích đối với bạn trong một thời gian dài về sau.
KẾT GIAO VỚI NHỮNG NGƯỜI PHÙ HỢP
1. Lập ra danh sách những người quan trọng nhất trong công việc của bạn. Nghĩ ra một kế hoạch để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn.
2. Lập một danh sách những người quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn. Xác định loại quan hệ mà bạn muốn phát triển với họ và những điều bạn cần làm để đạt được điều đó.
3. Nhận diện những nhóm và tổ chức có ích trong cộng đồng cũng như trong lĩnh vực hoạt động của bạn. Hãy gọi điện và sắp xếp thời gian để tham gia nếu bạn thấy điều đó là cần thiết và có ích cho bản thân.
4. Lập danh sách những người có vị trí cao nhất trong cộng đồng hay trong lĩnh vực của bạn, và lập kế hoạch để xây dựng mối quan hệ với họ.
5. Tìm kiếm mọi cơ hội để mở rộng những quan hệ xã hội hay kinh doanh của bạn. Xây dựng cầu nối trong các mối quan hệ bằng cách gởi thư, thiệp, fax, email thăm hỏi lẫn nhau và tận dụng mọi cơ hội để kết nối quan hệ.
PRE NEXT 

No comments:

Post a Comment