Chinh Phục Mục Tiêu - Goals! Chương 2

Có một quy tắc chung là mọi người rất ít dựa vào những điều mà bẩm sinh đã có. Họ muốn trở thành chính những gì họ tự tạo ra cho mình.
- Alexander Graham Bell
Như đã kể, năm 21 tuổi tôi vẫn rất túng quẫn và sống trong một căn phòng chật hẹp. Ban ngày tôi làm việc ở một công trường xây dựng, tối về lại tự nhốt mình trong phòng. Có lẽ vì vậy tôi có rất nhiều thời gian để suy ngẫm về mọi thứ.
Một ngày khi đang ngồi bên chiếc bàn ăn nhỏ trong bếp, bất chợt trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ kỳ lạ. Nó đã thay đổi cả cuộc đời tôi. Tôi chợt nhận ra rằng kể từ giây phút này tôi sẽ là người quyết định tất cả những gì sẽ xảy ra trong quãng đời còn lại của mình. Chẳng ai khác có thể giúp mình.
Chẳng có ai đến giải thoát mình ra khỏi cuộc sống túng quẫn này đâu!
Ngay lúc ấy, tôi nhận ra rằng nếu có bất kỳ điều gì trong đời mình cần phải thay đổi, thì sự thay đổi đó phải bắt đầu từ chính bản thân mình.
KHÁM PHÁ VĨ ĐẠI
Tôi vẫn còn nhớ như in thời khắc ấy. Nó cũng giống như cảm giác lần đầu tiên bạn nhảy dù - vừa sợ hãi vừa phấn khích. Tôi như đang phân vân trước sự lựa chọn: Nhảy hay không nhảy? Và cuối cùng, tôi đã quyết định nhảy xuống. Nói đúng hơn, tôi đã quyết định tự nhận lấy trách nhiệm đối với cuộc đời mình. Tôi biết rằng nếu muốn thay đổi hoàn cảnh hiện tại của mình, thì tôi phải làm khác đi. Tất cả đều do tôi quyết định.
Về sau, tôi mới hiểu ra rằng một khi chúng ta chấp nhận gánh vác hoàn toàn trách nhiệm đối với cuộc đời mình, thì có nghĩa là ta đã đủ trưởng thành. Nhưng đáng buồn là hầu hết mọi người thường không làm điều này. Tôi đã gặp nhiều người dù đã 40
- 50 tuổi vẫn luôn càu nhàu về những trải nghiệm không như ý muốn trước đây của họ. Họ thường đổ lỗi cho người khác và hoàn cảnh bên ngoài đối với những thất vọng mà họ nhận được. Thậm chí, nhiều người vẫn còn nguyên vẻ giận dữ mỗi khi nhắc đến
những điều mà cha mẹ họ đã làm (hay không làm) đối với họ từ 20 hay 30 năm trước. Họ như bị mắc kẹt trong quá khứ và không thể tự giải thoát cho mình.
CẢM XÚC TIÊU CỰC – KẺ THÙ SỐ 1
Kẻ thù lớn nhất của thành công và hạnh phúc là cảm xúc tiêu cực, dưới bất kỳ hình thức nào. Những cảm xúc này sẽ trì kéo bạn, tiêu hao mọi sinh lực và tước bỏ những niềm vui mà bạn có thể thụ hưởng trong cuộc đời. Cảm xúc tiêu cực, ngay từ thời xa xưa, đã là yếu tố gây hại cho cá nhân và xã hội nghiêm trọng hơn mọi dịch bệnh trong lịch sử.
Bởi thế, bạn phải biết cách giải phóng bản thân khỏi những cảm xúc tiêu cực. Đây được xem là một trong những mục tiêu quan trọng nhất để bạn thực sự đạt được hạnh phúc và thành công trong đời.
Những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, ai oán, ganh ghét, ghen tỵ, giận dữ phần lớn đều phát sinh từ bốn yếu tố mà tôi sẽ trình bày sau đây. Một khi bạn có thể nhận diện và loại bỏ những yếu tố này khỏi suy nghĩ của mình, thì những cảm xúc tiêu cực sẽ tự động lắng dịu và không có cơ hội để trỗi dậy. Khi đó, những cảm xúc tích cực như yêu thương, thân thiện, vui vẻ, nhiệt tình sẽ thay thế, từ đó cuộc đời bạn sẽ thay đổi theo hướng tốt hơn, đôi khi chỉ mất vài phút, hay thậm chí vài giây.
Đừng bào chữa
Nguyên nhân sâu xa đầu tiên gây ra những cảm xúc tiêu cực là sự bào chữa. Bạn sẽ có cảm giác yếu đuối khi tự bào chữa với bản thân hoặc người khác rằng bạn có quyền được giận dữ hay thất vọng vì một lý do nào đó. Đây chính là nguyên do lý giải những người hay giận dữ luôn miệng giải thích và trình bày đủ thứ về căn nguyên những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Tuy nhiên, nếu bạn không bào chữa cho cảm xúc tiêu cực của mình, thì bạn cũng không giận dữ được.
Chẳng hạn, một nhân viên bị mất việc do sự biến động của nền kinh tế và sự suy giảm doanh thu của công ty. Tuy nhiên, người này lại tỏ ra giận dữ với cấp trên vì nghĩ rằng quyết định cho anh ta thôi việc là không công bằng. Cơn tức giận có thể khiến anh ta quyết định kiện ra tòa hoặc quyết “đòi lại công bằng” bằng cách nào đó. Chừng nào mà anh ta còn tiếp tục bào chữa cho mình, thì cảm xúc ấy còn tiếp tục kiểm soát và chi phối suy nghĩ cũng như phần lớn cuộc đời anh ta.
Tuy nhiên, nếu anh ta chấp nhận “Mình bị mất việc rồi. Điều đó cũng bình thường thôi. Chẳng phải cũng có rất nhiều người bị mất việc trong tình hình kinh tế như hiện nay đấy thôi. Tốt hơn hết là mình dành thời gian để tìm kiếm một công việc khác” thì chắc chắn những cảm xúc tiêu cực kia sẽ không còn. Anh sẽ
bình tĩnh, tỉnh táo và tập trung hơn vào mục tiêu cũng như cho những bước đi sắp tới.
Đừng cố lý giải thiệt hơn
Khi lý giải thiệt hơn, bạn cố tìm cách hợp lý hóa các sự kiện hoặc cố giải thích cho một hành vi nào đó của mình.
Khi đó, bạn tìm cách lý giải, né tránh hoặc tìm một điểm tích cực nào đó trong hành vi của mình để thuyết phục mọi người. Bạn cố tìm cách lý giải sao cho thật dễ nghe nhằm tạo ra và củng cố vị thế đúng đắn của mình ở mọi phương diện. Cách ứng xử này sẽ tiếp tục giữ những cảm xúc tiêu cực luôn tồn tại trong bạn.
Việc lý giải nhằm hợp lý hóa và bào chữa cho vấn đề có thể sẽ đẩy một người nào đó thành tác nhân gây ra vấn đề của bạn. Bạn tự đẩy mình vào vị trí nạn nhân, và biến người khác hay tổ chức khác thành “kẻ áp bức”.
Vượt lên những ý kiến của người khác
Việc quá quan tâm hay quá nhạy cảm với cách người khác cư xử với bạn cũng gây nên cảm xúc tiêu cực. Đối với một số người, hình ảnh bản thân dường như được cảm nhận bởi cách mà người khác nói chuyện với họ, nhận định về họ, hoặc ngay cả cách nhìn họ. Trong họ như không có khái niệm về giá
trị bản thân hay sự tự đánh giá ngoài việc nhìn nhận mình theo những ý kiến của người khác. Và khi những ý kiến này hướng vào họ với tính chất tiêu cực thì ngay lập tức họ bị cuốn vào những cảm xúc như giận dữ, bối rối, hổ thẹn và thậm chí là trầm uất, tự thương hại bản thân, tuyệt vọng. Điều này lý giải vì sao các nhà tâm lý học cho rằng hầu hết mọi điều chúng ta làm là để giành được sự tôn trọng của người khác, hoặc ít nhất cũng không để đánh mất sự tôn trọng dành cho mình.
Tự chịu trách nhiệm cá nhân
Nguyên nhân cuối cùng cũng được xem là điều tệ nhất, chính là việc đẩy trách nhiệm sang người khác. Khi vẽ “Cây cảm xúc tiêu cực” trong các buổi hội thảo, tôi minh họa thân cây là phần có xu hướng đổ lỗi cho người khác về những vấn đề của chúng ta. Một khi bạn chặt ngang thân cây, tất cả những trái cây trên đó là những cảm xúc tiêu cực sẽ không còn đất sống. Điều này cũng tương tự như khi bạn rút phích cắm ra khỏi ổ điện thì các bóng đèn trên cây thông Giáng sinh sẽ tức thì đồng loạt tắt hết.
TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN LÀ MỘT PHƯƠNG THUỐC HIỆU NGHIỆM
Liều thuốc cho mọi loại cảm xúc tiêu cực là bạn chấp nhận hoàn toàn trách nhiệm đối với hoàn cảnh
của mình. Bạn không thể ngoài miệng thì nói: “Tôi chịu trách nhiệm” mà trong lòng vẫn cảm thấy giận dữ. Chính sự chấp nhận trách nhiệm sẽ làm “đoản mạch” và kìm nén được những cảm xúc ấy.
Hãy thử hình dung xem! Bạn có thể tự hóa giải được những cảm xúc tiêu cực và có thể kiểm soát cuộc đời mình bằng ý thức “Tôi chịu trách nhiệm!” mỗi khi cảm thấy giận dữ hay thất vọng vì bất cứ lý do gì.
Và bạn nhớ rằng, chỉ khi nào bạn thực hiện được điều này theo đúng nghĩa của nó thì nó mới phát huy hết tác dụng. Khi bạn không vướng vào bất cứ thứ gì bức bối về mặt cảm xúc lẫn tinh thần, thì bạn mới có thể bắt đầu tập trung mọi sinh lực và nhiệt huyết của mình vào mục tiêu phía trước. Khi đó, sẽ không có giới hạn hay chướng ngại nào ngăn cản bạn tiến đến những mục tiêu đã đề ra trong đời.
KHÔNG ĐỔ LỖI CHO NGƯỜI KHÁC
Ngay từ bây giờ, hãy thôi đổ lỗi cho người khác về bất cứ điều gì trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai. Eleanor Roosevelt(*) đã từng nói rằng: “Chẳng ai có thể làm cho bạn cảm thấy thấp hèn nếu không được sự cho phép của bạn”.
(*) Anna Eleanor Roosevelt (11/10/1884 - 07/11/1962): Phu nhân của Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt. Bà còn là một chính khách, tác giả, diễn giả và cũng được xem là người phát ngôn cho nhân quyền và là nhà tiên phong trong phong trào ủng hộ nữ quyền.
Hãy bắt đầu thôi viện cớ hoặc bào chữa cho các hành vi của mình. Nếu bạn phạm phải sai lầm, hãy nói câu xin lỗi và bắt tay ngay vào việc sửa chữa. Mỗi lần bạn đổ lỗi cho người khác hay viện cớ cho sai lầm của mình là bạn đang đánh mất dần sức mạnh của bản thân. Khi ấy, bạn sẽ cảm thấy yếu đuối và bé mọn. Bạn cũng cảm thấy yếm thế trong chính suy nghĩ của mình.
Hãy từ chối những điều như vậy!
LÀM CHỦ CẢM XÚC
Để duy trì tư duy tích cực, hãy loại bỏ việc chỉ trích, phàn nàn hay lên án người khác về bất cứ điều gì. Một khi bạn làm được điều này nghĩa là bạn có thể kích thích cảm xúc tích cực trong mình trỗi dậy. Ngược lại, giận dữ với người khác đồng nghĩa với việc bạn để mặc cho cảm xúc tiêu cực chi phối bản thân và cùng lúc cho phép người khác kiểm soát cảm xúc của bạn. Đấy quả thật không phải là điều khôn ngoan!
Trong quyển Seat of the Soul (Chiếc ghế tâm hồn), Gary Zukav - nhà tâm lý học và nhân học nổi tiếng, có nói: “Cảm xúc tích cực mang lại sức mạnh; cảm xúc tiêu cực tước đoạt sức mạnh”. Những cảm xúc tích cực như hạnh phúc, phấn khởi, yêu thương, nhiệt tình giúp bạn cảm thấy mạnh mẽ và tự tin hơn. Những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, đau khổ hay
oán giận sẽ làm bạn yếu ớt, thù địch, cáu gắt và khó chịu với những người xung quanh.
Một khi hoàn toàn nhận lấy trách nhiệm đối với bản thân và hoàn cảnh của mình, bạn có thể tự tin xử lý mọi việc trong cuộc sống. Lúc ấy, bạn sẽ trở thành “người chủ của số phận và người chỉ huy linh hồn chính mình”.
LÀM CHỦ CHÍNH MÌNH
Theo cuộc nghiên cứu được tiến hành ở thành phố New York được đề cập ở trên, những nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những đối tượng nằm trong nhóm 3% ghi rõ mục tiêu của mình ra giấy có một thái độ đặc biệt. Thái độ ấy giúp họ trở nên khác biệt so với những người bình thường khác trong cùng lĩnh vực. Đó là họ làm chủ công việc của chính mình, mà không cần quan tâm đến việc ai là người trả lương. Họ tự nhủ với bản thân rằng mình phải có trách nhiệm với công ty, như thể chính họ là người chủ của công ty.
Ngay từ bây giờ, bạn hãy xem mình là người làm chủ, là người chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với mọi khía cạnh của cuộc sống và công việc của bản thân. Hãy tự nhủ rằng bạn đang ở cương vị này, nắm giữ chức vụ này là nhờ vào những gì bạn đã nỗ lực vươn lên và gặt hái được thành công cũng như
nếm trải thất bại trong đời. Chính bạn là kiến trúc sư tạo ra số phận của chính mình.
LỰA CHỌN VÀ QUYẾT ĐỊNH
Bạn có nghĩ rằng cuộc đời mình cho đến thời điểm này chịu ảnh hưởng của toàn bộ những lựa chọn và quyết định mà bạn đã thực hiện (hoặc không thực hiện) không? Nếu có bất cứ điều gì trong cuộc sống làm bạn thất vọng, bất mãn, thì bạn chính là người phải chịu trách nhiệm. Nếu bạn cảm thấy không hài lòng thì chính bạn phải là người nghĩ ra cách thức nhằm thay đổi và cải thiện tình hình.
Với tư cách là chủ nhân của chính mình, bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với mọi việc mình làm và cả kết quả của chúng nữa. Bạn phải chịu trách nhiệm cả với những rủi ro, hậu quả cho hành động của mình. Bạn phải hiểu rằng để có được vị trí như hiện nay, trở thành con người như ngày nay là do chính bạn đã quyết định và lựa chọn như vậy. Nếu bạn không hài lòng với mức thu nhập hiện tại, hãy quyết định tìm đến những vị trí và cơ hội tốt hơn để có thu nhập cao hơn. Hãy xem đó là một mục tiêu, lập kế hoạch và bắt tay thực hiện để giành những gì bạn đáng được.
Bạn luôn là người tự do trong những quyết định tạo nên cuộc đời của chính mình.
PHÁT TRIỂN CHIẾN LƯỢC CÁ NHÂN
Bạn phải là người chịu trách nhiệm đối với việc hoạch định chiến lược cho cuộc đời và sự nghiệp của mình. Đó là chiến lược quản lý tổng thể, bao gồm xác lập mục tiêu, lên kế hoạch, đưa ra các giải pháp và nỗ lực để hoàn thành.
Bên cạnh đó, bạn phải có trách nhiệm đối với chiến lược marketing bản thân. Bạn phải biết cách xây dựng hình ảnh của mình để có thể “bán” được với giá cao nhất trong một thị trường cạnh tranh. Bạn cũng phải có trách nhiệm đối với chiến lược tài chính, bạn phải quyết định xem: bạn muốn bán dịch vụ của mình thế nào, bạn muốn có thu nhập bao nhiêu, bạn muốn tăng thu nhập của mình đến mức nào qua mỗi năm, bạn muốn đầu tư và tiết kiệm ra sao, bạn muốn tích lũy bao nhiêu khi về hưu… Tất cả những điều này hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định và lựa chọn của bạn.
Ngoài ra, bạn là người chịu trách nhiệm đối với chiến lược phát triển bản thân và những mối quan hệ của mình, cả khi ở nhà lẫn công sở. Tôi thường khuyên học viên của mình rằng: “Hãy chọn sếp của bạn một cách cẩn thận”. Việc này sẽ tác động lớn đến mức thu nhập của bạn, khả năng thăng tiến và sự hài lòng của bạn trong công việc.
Cuối cùng, bạn phải có trách nhiệm với việc tự đào tạo, tự tìm tòi và tự học hỏi. Chính bạn phải quyết định vận dụng những kỹ năng cần thiết để mang về những thành quả xứng đáng. Sau đó, cũng chính bạn là người chịu trách nhiệm trong việc đầu tư thời gian, công sức để học tập và phát triển những kỹ năng này. Chẳng ai có thể làm thay bạn được. Vì sự thật là chỉ có bạn mới là người quan tâm đến bản thân mình nhiều nhất.
TRUNG TÂM ĐIỀU KHIỂN
Phần lớn các công trình nghiên cứu về tâm lý học đều tập trung xoay quanh Thuyết Trung tâm Điều khiển (Locus of Control Theory). Trong vòng hơn 50 năm, các nhà tâm lý học đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu và đi đến kết luận rằng đó là yếu tố quyết định cuộc sống của mỗi người có hạnh phúc hay không.
Tại sao vậy?
Những người có trung tâm điều khiển trong cảm thấy rằng họ hoàn toàn làm chủ cuộc đời của mình. Họ luôn tỏ ra lạc quan và tích cực, họ cảm thấy mạnh mẽ, tự tin và đầy quyền năng. Họ cảm thấy hài lòng với bản thân và kiểm soát được số phận của mình.
Trái lại, những người có trung tâm điều khiển
ngoài thường bị kiểm soát bởi các yếu tố bên ngoài
bản thân họ, như là sếp của họ, các hóa đơn thanh toán, cuộc hôn nhân, quá khứ hay hoàn cảnh hiện tại. Họ mất quyền kiểm soát bản thân; do đó họ cảm thấy yếu đuối, giận dữ, sợ hãi, yếm thế, thù địch và đánh mất khả năng của chính mình.
Tuy nhiên vẫn có một mối liên hệ trực tiếp giữa khối lượng trách nhiệm mà bạn chấp nhận và mức độ kiểm soát mà bạn cảm nhận. Bạn càng nhận trách nhiệm đối với bản thân bao nhiêu, thì trung tâm điều khiển bên trong của bạn càng tăng lên bấy nhiêu, và sự mạnh mẽ, tự tin của bạn cũng tăng lên tương ứng.
TAM GIÁC VÀNG
Ngoài những vấn đề nêu trên, bạn có biết rằng giữa trách nhiệm và hạnh phúc cũng có mối liên hệ trực tiếp với nhau? Khi đó cuộc đời bạn là sự kết hợp của 3 yếu tố: trách nhiệm, sự kiểm soát và hạnh phúc.
Bạn càng chấp nhận nhiều trách nhiệm, quyền kiểm soát của bạn càng lớn. Khi có quyền kiểm soát càng lớn thì bạn càng trở nên tự tin hơn và đón nhận được nhiều hạnh phúc hơn. Và khi đã có thể làm chủ được cuộc đời mình, bạn sẽ thiết lập những mục tiêu lớn lao hơn đồng thời cũng sẽ có động lực và quyết tâm để hoàn thành chúng. Bạn là người nắm giữ vận mệnh của mình trong tay và có thể xoay chuyển nó theo bất cứ hướng nào.
CHỊU TRÁCH NHIỆM VỚI CUỘC ĐỜI MÌNH
1. Hãy nhận diện vấn đề hay nguồn gốc của những cảm xúc tiêu cực lớn nhất trong cuộc sống của bạn ngay hôm nay. Bạn chịu trách nhiệm đối với vấn đề này ra sao?
2. Hãy xem mình là ông chủ của chính mình.
Bạn sẽ làm gì nếu được toàn quyền quyết định mọi việc?
3. Quyết tâm từ hôm nay không đổ lỗi cho bất cứ ai về bất cứ điều gì xảy ra với bản thân, thay vào đó hãy hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với cuộc sống của mình. Bạn nên hành động như thế nào?
4. Dừng việc bào chữa và bắt đầu đổi mới bản thân.
5. Tự xem bản thân là lực lượng sáng tạo chính trong cuộc đời mình. Sở dĩ bạn có được một vị trí và một con người như hiện tại là do bạn tự lựa chọn và quyết định lấy. Bạn nên thay đổi điều gì?
6. Quyết tâm ngay từ hôm nay sẽ tha thứ cho những người đã làm bạn tổn thương dù dưới bất kỳ hình thức nào. Hãy tha thứ và để nó đi vào quá khứ. Thay vào đó, hãy bắt tay làm một điều gì đó thực sự có ý nghĩa để không còn có thời gian nghĩ về nó nữa.
PRE NEXT 

No comments:

Post a Comment