Cuộc sống không hề dễ dàng. Thế giới là một nơi khắc nghiệt và đầy cạm bẫy bởi có những người luôn rình rập để tiêu diệt bạn, nếu không công khai thì ngấm ngầm. Âm mưu loại trừ nhau vẫn diễn ra hàng ngày. Đặc biệt là khi bạn càng thành công và nổi bật thì sẽ càng có nhiều người muốn dìm bạn xuống. Lúc nhỏ, tôi thường xem các bộ phim nói về cuộc sống của những tay cao bồi ở miền Tây nước Mỹ và thấy rằng họ luôn muốn tiêu diệt tay súng thiện xạ nhất, có khi chẳng vì điều gì.
Đó là thực tế cuộc sống. Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tôi chẳng khác nào một tay thiện xạ với những thành công nối tiếp, thế nên tôi biết rất nhiều người muốn tiêu diệt tôi. Ngay cả những người bạn tưởng chừng như thân thiết cũng có lúc sẽ trở mặt và ám hại bạn. Chính vì thế, không còn cách nào khác là bạn phải biết cách tự phòng vệ.
Càng thành công, càng có nhiều kẻ thù
Tôi sở hữu một câu lạc bộ tuyệt đẹp ở Florida, đó là câu lạc bộ Mar-a-Largo. Mar-a-Largo thật sự là một thành công lớn của tôi. Tôi từng mời Elton John, Celine Dion và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác tới đó biểu diễn và hầu như chỉ những người rất giàu có mới có thể trở thành thành viên câu lạc bộ. Trong số các hội viên của câu lạc bộ có một tay là dân kinh doanh bất động sản đến từ New York. Ba năm trước, chính gã này đã trả tôi một khoản tiền không nhỏ để được tham gia câu lạc bộ golf của tôi. Hắn là một gã keo kiệt, thô lỗ, tầm thường nhưng cơ ngơi của gã lại đáng giá cả tỉ đô-la; tuy nhiên, giờ đây hắn chẳng còn xứng với số tiền lớn như vậy. Tuy không phải là thành viên giàu nhất nhưng dù sao thì hắn vẫn đáng giá cả tỉ đô-la. Thời điểm đó, tôi đã đối xử với gã này rất tốt và thường dặn nhân viên hãy luôn coi trọng cũng như quan tâm phục vụ gã thật chu đáo, bởi dù sao thì đó cũng là phương châm hoạt động của chúng tôi. Thường thì những người cùng hoạt động trong ngành bất động sản vẫn coi nhau như anh em một nhà, bởi chúng tôi vẫn hay hỗ trợ nhau về mặt thông tin cũng như hợp tác làm ăn trong nhiều dự án mua bán lớn. Chính vì vậy, khi biết ai đó làm cùng ngành với mình, chúng tôi sẽ quan tâm tới nhau nhiều hơn. Đó là lý do vì sao tôi vẫn dặn nhân viên hãy đối xử tốt và phục vụ gã thật chu đáo.
Một hôm, luật sư của tôi gọi điện báo cho tôi biết một trong những tòa nhà tôi đã cho xây dựng đang gặp rắc rối. Anh ấy nói chính gã này đã kiện tôi. Đương nhiên là tôi không tin, bởi tôi biết gã đang sở hữu một tòa nhà có phong cách hoàn toàn khác ở một khu vực khác hẳn tại New York. Thế nên không lý nào anh ta lại kiện tôi. Tôi nói với luật sư: "Không đời nào. Sao có thể như vậy được? Anh ta đang sinh hoạt tại câu lạc bộ golf của tôi và tôi đã đối xử với anh ta rất tốt".
Luật sư của tôi vẫn khăng khăng: "Ngài Trump, tôi khẳng định với ngài đó chính là anh ta". Tôi vẫn không tin và nói: "Không đời nào, anh hãy kiểm tra lại đi!". Một giờ sau, luật sư gọi lại báo với tôi: "Ngài Trump, dứt khoát là hắn và công ty của hắn".
Lời khẳng định chắc chắn của luật sư đã giúp tôi tỉnh ngộ và sáng suốt hơn khi nhìn nhận lại về con người này. Lẽ ra tôi nên biết điều đó! Gã ta đúng là một thằng tồi, một kẻ tham lam, ích kỷ, tầm thường luôn muốn hãm hại người khác.
Gã ta kiện tôi vi phạm quyền đặt tên cho tòa nhà vì quả quyết rằng cái tên tôi đang sử dụng gây nhầm lẫn với tên tòa nhà của gã. Sau khi thảo luận kỹ, các luật sư cho tôi biết: "Ngài Trump, vụ này sẽ ngốn nhiều tiền đấy". Vì rất khó chịu với chuyện vừa xảy ra, tôi quyết định gọi cho gã.
- Có phải chính anh vừa mới kiện tôi?
- Đúng là tôi, Donald. - Gã kênh kiệu trả lời.
- Tại sao? - Tôi hỏi vặn.
- Anh đặt tên như vậy sẽ gây nhầm lẫn với tòa nhà của tôi. - Gã ta đáp.
- Nhầm lẫn ư? Làm gì có chuyện đó. Hai cái tên hoàn toàn khác nhau, hai tòa nhà khác nhau và không hề ở gần nhau. Sao có thể gây nhầm lẫn? Đúng là nhảm nhí!
Cuộc sống này có những kẻ như vậy đấy. Họ không muốn thấy bạn thành công. Và nếu bạn thành công, họ sẽ tìm mọi cách để dìm bạn xuống.
Sau khi nghiên cứu kỹ tình tiết hồ sơ, luật sư của tôi thông báo:
- Ngài Trump, chúng ta sẽ thắng kiện nhưng ngài phải bỏ ra nửa triệu đô-la.
- Tại sao phải mất nhiều tiền đến vậy? - Tôi hỏi.
- Chúng ta sẽ phải tiến hành lấy ý kiến của người dân để chứng tỏ mọi người không nhầm lẫn hai tòa nhà này với nhau. Việc này tốn rất nhiều tiền.
- Thật không thể tin chuyện quái đản đó.
Đương nhiên tôi hoàn toàn không muốn bỏ ra khoản tiền lớn như vậy chỉ vì một chuyện vớ vẩn như thế, nhưng cũng không còn cách nào khác. Vì vậy tôi đã bảo các luật sư cứ tiến hành và bằng mọi giá hãy đánh bại kẻ đáng khinh kia. Tôi muốn cho hắn một bài học.
Các luật sư của tôi thông báo cho luật sư của gã đó biết chúng tôi sẽ gặp gã ta tại tòa. Nhưng vài ngày sau, luật sư của tôi báo rằng phía bên kia muốn dàn xếp - và tất cả những gì gã muốn là sẽ được miễn phí tham gia câu lạc bộ của tôi trong suốt phần đời còn lại. Đổi lại, tôi có thể tiếp tục sử dụng cái tên đó cho tòa nhà của mình, tòa nhà của gã cũng không có gì thay đổi. Bạn tin nổi điều đó không?
Ban đầu, tôi tự nhủ: "Mình ghét làm thế này bởi vì nó trái với nguyên tắc làm việc của mình". Nhưng sau khi cân nhắc, tôi đã chấp thuận dàn xếp với gã bởi như thế tôi sẽ tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ cho chi phí tố tụng. Thế đấy. Tôi có một thành viên đáng giá hơn một tỉ đô-la và gã ta sẽ tiết kiệm được 8.000 đô-la mỗi năm một cách đáng khinh nhờ được miễn phí tham gia câu lạc bộ của tôi. Tám nghìn đô-la! Thật buồn cười. Nếu lúc trước gã từng được đối xử như một ông vua thì giờ đây, gã đã biến tôi thành kẻ thù của gã. Nhưng có thể gã ta thích như vậy.
Tôi đã dàn xếp với gã vì không muốn mất thời gian và tiền của vào một vụ kiện tụng vớ vẩn như thế, nhưng kể từ hôm đó, tôi đối xử với gã như với một thứ cặn bã kinh tởm nhất. Tuy nhiên, điều lạ là tôi càng đối xử tồi tệ, gã càng năng đến câu lạc bộ hơn. Thật không thể tin nổi. Thậm chí có lần tôi đã mắng vào mặt gã trước cả chục người ngồi cùng bàn với gã trong một buổi tiệc tối: "Anh đúng là đồ rác rưởi. Tôi không thể tin nổi anh vẫn còn dám vác mặt đến đây". Rồi tôi quay sang những người ngồi cùng bàn với gã: "Sao các vị có thể ngồi cùng bàn với một gã như thế này nhỉ?". Khi đó gã chỉ biết ngồi yên và không nói một lời nào.
Một lần, gã đến câu lạc bộ để kiếm vé cho một buổi hòa nhạc rất nổi tiếng. Tôi bảo nhân viên nói với gã ta rằng vé đã bán hết, mặc dù nếu muốn tôi có thể đã phát không cho gã. Bất cứ khi nào gã tới ăn tối tại câu lạc bộ, gã đều được xếp ngồi vào cái bàn xấu nhất trong góc khuất nhất. Chúng tôi đối xử với gã đó như với một thứ cặn bã, thế mà gã vẫn cứ xuất hiện tại câu lạc bộ ngày một đều đặn hơn. Đó chính là điều khó tin nhất. Thật bệnh hoạn! Thế mới thấy tại sao môi trường kinh doanh thật khắc nghiệt. Tôi quá ngây thơ khi nghĩ rằng không, không thể nào là anh ta. Thế mới biết cuộc sống có nhiều điều không thể ngờ. Không thể ngờ tôi từng coi hắn như anh em nhưng cuối cùng hắn lại cho tôi một đòn đau. Tuy vậy hắn cũng đã phải trả giá đắt vì trò xuẩn ngốc của mình. Câu chuyện trên của tôi chỉ để bạn thấy rằng bạn cần phải đề phòng với ngay cả những người được coi là bạn tốt. Và hãy nhớ, đừng ngại trả đũa những kẻ đã giở trò ti tiện với bạn, bởi chúng xứng đáng như vậy.
Đừng bao giờ bán rẻ bạn mình. Xin lấy trường hợp giữa tôi và Donny Deutsch, một trong những người bạn tuyệt vời của tôi, làm ví dụ. Donny sở hữu một chương trình truyền hình rất thành công trên kênh CNBC và đang thuê một căn hộ trong tòa nhà của tôi trên Đại lộ Park - Phố 59. Tòa nhà đó là một dự án rất thành công của tôi. Nó đã trở thành một trong những tòa nhà bán chạy nhất New York. Có rất nhiều người muốn thuê hoặc mua căn hộ mà Donny đang ở, nhưng hợp đồng thuê của Donny phải hai năm nữa mới hết hạn. Tiền thuê căn hộ lúc đó là 45.000 đô-la một tháng, vì vậy tôi đã gọi hỏi Donny xem anh có ý định kết thúc hợp đồng sớm hơn không; nhưng sau khi Donny cho biết 'trong vòng hai năm nữa' anh mới dời đi, tôi cũng không nghĩ gì thêm. Tình cờ ngày hôm sau, luật sư của Donny bất ngờ gọi điện cho chúng tôi và nói rằng trong hợp đồng thuê nhà có một điều khoản về trường hợp người thuê sẽ phải dọn đi trong vòng 30 ngày và họ muốn hủy điều khoản này. Thật sự thì chúng tôi hoàn toàn không để ý gì đến điều khoản đó, bởi khi cho Donny thuê nhà, tôi hoàn toàn không nghĩ đấy là điều quan trọng.
Nghe thế, tôi lập tức cho người gọi điện đến Donny để thông báo rằng chúng tôi đang tiến hành các thủ tục để kết thúc hợp đồng - nhưng thực tế tôi làm vậy chỉ để đùa với Donny một chút. Sau khi người của tôi gọi điện xong, tôi tự hỏi không biết khi nào Donny mới gọi lại cho tôi. Nhưng chỉ chừng ba phút sau, Donny gọi lại và anh không thể tin được là tôi lại làm như thế với anh. Tôi cười khoái chí trước thái độ thất vọng của Donny rồi nói: "Donny này, vị luật sư đắt giá của cậu đã gọi điện và giải thích cho bên tớ biết về một điều khoản trong hợp đồng mà thậm chí tớ còn không biết. Cậu vui lòng cho tớ biết vị luật sư này là ai để tớ thưởng cho cô ấy, bởi vì cô ấy đã đem lại cho tớ được rất nhiều tiền".
Thực sự tôi không bao giờ làm gì để gây tổn thương cho Donny bởi vì thứ nhất, đó là một con người tuyệt vời và thứ hai, tôi thực sự muốn bạn mình ở lại căn hộ ấy lâu hơn. Sau khi hiểu chuyện, Donny đã tự nguyện nâng giá tiền thuê nhà cao gấp đôi, nhưng điều quan trọng là anh ấy đã góp 50.000 đô-la cho quỹ Police Athletic League của New York, một trong các quỹ từ thiện tôi quan tâm nhất. Hiển nhiên là Donny vẫn tiếp tục ở lại căn hộ đó.
Trong kinh doanh có nhiều điều vô cùng kỳ lạ. Có những người bạn tưởng mình biết rất rõ, chí ít cũng là vẻ bề ngoài, nhưng vào một thời điểm nào đó, bạn phát hiện họ hoàn toàn khác với suy nghĩ ban đầu của mình. Đó là trường hợp của Lee Iacocca. Trong suy nghĩ của mình, tôi luôn cho rằng Lee Iacocca là một người rất mạnh mẽ, dứt khoát trong mọi tình huống. Vào những năm 1990, trong khi thị trường bất động sản đang gặp nhiều biến động thì chính Lee Iacocca lại muốn hợp tác cùng tôi để mua một số khu bất động sản giá rẻ, hay như chúng tôi vẫn gọi là "rẻ mạt".
Chúng tôi đã nhắm vào một khách sạn nhỏ mà Lee vô cùng ưng ý ở khu East 60s, nhưng anh ta không đồng ý với giá đưa ra.
Sau đó, một hợp đồng béo bở đã bất ngờ đến với tôi. Đó là hai tòa nhà có chi phí xây dựng khoảng 139 triệu đô-la, tọa lạc ở bờ biển West Palm, bang Florida đã phá sản. Hai tòa nhà đó thực sự rất đẹp, nhưng giữa thời điểm suy thoái, những tòa nhà như vậy rất khó bán.
Ngân hàng New York cuối cùng cũng đã có quyết định thu hồi và thanh lý hai tòa nhà đó. Vì vậy, tôi và Lee Iacocca đã mua lại chúng. Khi mua bất động sản trong giai đoạn suy thoái, vấn đề lớn nhất chính là bạn không biết khi nào thì suy thoái mới kết thúc. Nếu suy thoái kéo dài quá lâu thì chứng tỏ bạn đã có một sự đánh cược không khôn ngoan.
Trên thực tế, cuộc suy thoái bất động sản những năm 1990 đã kéo dài hơn dự đoán. Nên cho dù tôi có mua được tòa nhà đó với giá rẻ thì đó vẫn không phải là một vụ đầu tư khôn ngoan, bởi vì phải mất rất nhiều thời gian để thị trường hồi phục và tốn thêm khoản tiền cho chi phí bảo dưỡng tòa nhà cùng với tất cả các chi phí có liên quan trước đó, lợi nhuận cuối cùng không được là bao. Tuy vậy, Lee vẫn muốn thực hiện thương vụ này và mỗi người chúng tôi đã bỏ ra một nửa số tiền để đầu tư.
Từ hôm ký hợp đồng mua hai tòa nhà đó, ngày nào Lee cũng gọi liên tục cho tôi và cả những đồng sự khác của tôi. Tôi đã nói với anh ta: "Lee, anh hãy thong thả. Việc này cần có thời gian. Chúng ta đang phải bơi giữa một cuộc suy thoái bất động sản thực sự và tình hình này không thể một sớm một chiều hồi phục ngay được. Anh phải bình tĩnh bởi vì nếu là vấn đề về thời gian thì chúng ta không thể làm được gì". Tôi có một nhân viên bán hàng rất giỏi nhưng cũng rất cộc cằn. Cô ta hầu như không mấy tôn trọng Lee và sẵn sàng nói với anh bằng cái giọng khó nghe kiểu: "Tại sao ông không để chúng tôi yên nhỉ? Tại sao ông cứ phải gọi điện nhiều làm gì, ông bị sao vậy?" hoặc "Ông mang cái bộ mặt đưa đám đó ra khỏi đây giùm". Cách nói như vậy thường khiến Lee phát khùng.
Cuối cùng, anh ta liên tục gọi điện cho tôi để năn nỉ được rút khỏi thương vụ này. Lúc nói chuyện với tôi, hình như Lee đã khóc. Đúng là tôi đã hai lần nghe thấy anh ta khóc cốt để lấy lại số tiền của mình. Tôi chắc chắn Lee là một người khá giàu có nên không hiểu tại sao anh ta lại quá lo lắng về khoản tiền đầu tư tương đối nhỏ đó. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là người đàn ông tưởng chừng rất bản lĩnh này lại bật khóc trước một việc cỏn con như vậy. Rốt cuộc tôi đã trả lại Lee phần tiền anh ta đã bỏ ra và cũng chấm dứt luôn mối quan hệ làm ăn. Như thế còn dễ chịu hơn là cứ phải chịu đựng những chuyện nhảm nhí của anh ta. Làm ăn với Lee Iacocca chẳng thú vị chút nào.
Sau cùng thì toàn bộ căn hộ trong hai tòa nhà đó đều được bán hết và ngày nay, Trump Plaza trở thành một trong những tòa nhà có giá cao nhất ở khu vực bờ biển Palm.
Hãy biết quan sát và lắng nghe
Vài năm trước, một cửa hàng chuyên bán lẻ hàng cao cấp đã thuê địa điểm ở một trong những tòa nhà của tôi. Họ cần thiết kế lại cửa hàng trước khi khai trương. Tôi biết tất cả các nhà thầu ở thành phố New York và chỉ khoảng 25% trong số đó là đáng tin cậy. Tôi từng bị cả đám nhà thầu đó xoáy tiền nên biết rất rõ những chiêu bài của họ. Thực sự thì tôi không quan tâm những người thuê nhà của tôi sẽ thuê nhà thầu nào bởi vì họ đã trả cho tôi một khoản tiền thuê rất lớn; ngoài ra, tôi hoàn toàn không được hưởng lợi gì trong việc này nên nếu họ có tốn nhiều tiền thế nào cũng không phải việc của tôi. Nhưng vì đã biết quá rõ bọn nhà thầu và sợ rằng họ cũng sẽ chui đầu vào cái thòng lọng đang giăng sẵn, nên tôi gọi điện nói với họ: "Tôi sẽ giới thiệu ba nhà thầu để các vị tham khảo khi tiến hành thiết kế lại cửa hàng". Họ vui vẻ nhận lời.
Hai tháng sau, tôi gọi điện hỏi thăm người thuê cửa hàng: "Thế các vị đã thuê nhà thầu nào rồi?". Khi nghe họ trả lời, tôi đã vô cùng sửng sốt. Tôi nói ngay: "Gì vậy? Gã đó là một kẻ vô lại. Các vị không nên thuê hắn ta. Hắn ta sẽ toàn giở trò lừa bịp với các vị". Ngân sách mà những người thuê cửa hàng của tôi sẽ chi cho dự án này là 17 triệu đô-la. Ở New York, 17 triệu đô-la chẳng là gì. Song vấn đề ở đây là họ dự định mở một cửa hàng bán đồ cao cấp quy mô lớn nhưng lại đi thuê một gã chủ thầu mà tôi biết chắc là hắn sẽ rắp tâm giở trò lừa đảo.
Tôi không phải là một kẻ ngu ngốc và tôi rất am tường về lĩnh vực xây dựng. Tôi biết rõ thành phố này và một số kẻ tồi tệ ở đây. Cái gã chủ thầu mà những người thuê cửa hàng của tôi bắt tay hợp tác đã bị sa thải trong hầu hết các dự án mà hắn tham gia, và tôi còn biết hắn thậm chí từng bị tống giam vì một số việc xấu xa đã làm trước đây.
Tôi nói với người thuê cửa hàng rằng: "Tôi sẽ ủng hộ các vị hết sức trong việc thiết kế lại cửa hàng, nhưng các vị không thể thuê gã này".
- Tại sao vậy? - Họ ngạc nhiên hỏi.
- Hắn ta sẽ gây nhiều thiệt hại cho các vị. Thứ nhất, tôi nghĩ hắn từng bị tống giam vì tội ăn cắp. Thứ hai, hắn sẽ cố tình kéo dài gấp đôi thời gian làm việc và các vị sẽ mất nhiều hơn số tiền 17 triệu đô-la. - Tôi giải thích.
- Chúng tôi sẽ hợp tác với anh ta vì theo chúng tôi thì đó là một người tuyệt vời. Chúng tôi thực sự có thiện cảm với anh ta. Và tiện đây chúng tôi cũng xin nói để ngài Trump biết rằng chúng tôi chỉ thuê chỗ của ngài, còn lại thì chúng tôi nghĩ mình có đủ kinh nghiệm để làm những gì chúng tôi muốn.
- Gì thế này? Các vị nói với tôi bằng cái giọng đó hả? Các vị đúng là một lũ ngốc. - Tôi phát cáu trong điện thoại. Lúc đó, tôi nhận ra rằng họ muốn tự làm mọi việc, thế nên tôi không cần phải cố giúp họ nữa.
Một thời gian sau, những gã ngốc này đến gặp tôi bàn về việc di dời vị trí cửa ra vào. Cánh cửa đó do vị kiến trúc sư "tên tuổi" mà họ đã thuê thiết kế, và nó lệch quá nhiều về phía cột nhà. Thế nên họ muốn dời cái cột đi chỗ khác. Nhưng để làm được chuyện đó, họ sẽ phải cho chống đỡ toàn bộ phần trần nhà. Việc này là cả một vấn đề lớn và nó ngốn thêm khoảng 2 triệu đô nữa. Tôi ngạc nhiên hỏi họ: "Sao các vị không thay đổi bản thiết kế và đặt cái cửa vào chỗ bức tường chưa được xây? Như thế có rẻ hơn không?".
Khoản ngân sách 17 triệu đô-la dự trù cho việc thiết kế lại cửa hàng đã nhảy vọt lên 48 triệu đô-la nhưng vẫn chưa đâu ra đâu. Lúc này tôi chắc rằng những con người non kinh nghiệm đó sẽ phá sản và đấy là kết quả tất yếu. Cuối cùng, họ đã đến gặp tôi và nói:
- Ngài Trump, chúng tôi đã thất bại. Chúng tôi muốn chấm dứt hợp đồng.
- Tôi muốn các vị đền bù 100 triệu đô-la để chấm dứt hợp đồng. - Tôi nói.
- Chúng tôi không có nhiều tiền như vậy đâu.
- Vậy thì tôi sẽ lấy ít hơn. Thế các vị có bao nhiêu?
Họ đưa ra một con số và tin tôi đi, khoản tiền đó không nhiều bằng số tiền họ đã mất cho gã chủ thầu kia. Tôi nói: "Thôi được. Tôi sẽ lấy tất cả số đó".
Dù sao thì mọi việc đã kết thúc ổn thỏa. Họ trả tiền và chấm dứt hợp đồng thuê địa điểm. Và tôi tin rằng sau chuyện đó, họ đã có được một bài học đắt giá. Họ sẽ hiểu rằng họ cần phải khôn ngoan và biết lắng nghe hơn để thận trọng trong từng quyết định của mình.
Hãy khiến mọi người khâm phục bạn
Bạn phải chứng tỏ cho đối tác biết rằng bạn thực sự am hiểu tường tận những việc đang diễn ra bởi nếu không họ sẽ qua mặt bạn. Hãy khiến họ khâm phục vốn kiến thức của bạn. Phải thừa nhận rằng tôi rất giỏi về bất động sản. Tôi am hiểu và yêu thích kinh doanh bất động sản, vì thế, không ai có thể lừa tôi trong lĩnh vực này.
Lúc nhỏ, hầu hết thời gian rảnh rỗi tôi thường theo cha đến các công trường xây dựng. Tôi quan sát ông làm việc và học cách ông điều hành công nhân của mình. Đến khi trưởng thành và đi học ở trường quân đội, mỗi lần về phép, tôi lại cùng cha đi thực tế để học hỏi về các vấn đề trong kinh doanh như đàm phán với các nhà thầu, kiểm tra chất lượng công trình hay ký kết các hợp đồng.
Tôi học được rằng để kinh doanh có lãi trong ngành này, bạn phải biết cách giảm bớt chi phí. Tôi cũng học được cách đàm phán hiệu quả từ cha mình. Trong khi đàm phán, cha tôi luôn tỏ ra cứng rắn và cương quyết giống như khi ông cho xây dựng một tòa nhà. Cha tôi hiểu rất rõ lĩnh vực của mình. Nếu cha tôi biết việc làm một cái mái nhà phải mất cho chủ thầu 800.000 đô-la thì ông sẽ không cố hạ giá xuống 600.000 đô-la hay để bị ép giá tới 1,2 triệu đô-la.
Bạn cũng nên để những ai tiếp xúc với bạn thấy rằng bạn hiểu rõ lĩnh vực của mình như thế nào. Nếu là một doanh nhân, hãy ra dáng một doanh nhân thực sự và thể hiện điều đó trong cả cách ăn mặc cũng như cách hành xử. Đừng để bất cứ ai nghĩ rằng bạn không am hiểu gì về công việc của mình. Khi tới Manhattan để đàm phán thương vụ đầu tiên, lúc đó tôi sở hữu rất ít tiền và thậm chí không có lấy một nhân viên nào. Nhưng khi bước vào văn phòng, tôi đã xử sự như thể mình đang sở hữu cả một công ty đồ sộ. Lúc ấy, tôi không còn làm việc cho cha mình và đã tách ra để thành lập Tổ chức Trump. Nhưng thời điểm đó ngoài tôi ra thì Tổ chức Trump không có bất kỳ nhân viên nào khác, và trụ sở chính là căn hộ nhỏ của tôi ở Manhattan.
Tôi đã ăn mặc như một nhà kinh doanh bất động sản thành công. Phải nói rằng hôm đó trông tôi không chê vào đâu được với một bộ com-lê sọc nhỏ màu đen, áo sơ mi trắng, một chiếc cà vạt in chữ cái lồng nhau cùng một phong thái tự tin và đầy nhiệt huyết của kẻ sắp làm nên việc lớn. Không ai tỏ ý nghi ngờ tôi, thế nên ngay từ đầu tôi đã kiểm soát được mọi tình huống.
Còn nhớ tại một buổi Hội thảo Đầu tư của The Learning Annex, trước đám đông hơn 62.000 người, tôi đã nói rằng Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Condoleezza Rice là một phụ nữ tuyệt vời, nhưng tôi thích một người mưu lược hơn trong việc đàm phán với Trung Quốc và Iran. Tôi thích người nào cứng rắn nhưng cũng uyển chuyển hơn trong đàm phán. Tôi đã dùng đúng từ mưu lược để miêu tả mẫu nhà đàm phán cứng rắn mà chúng ta cần để đại diện cho quyền lợi của đất nước mình. Nhưng bạn sẽ không tin được chuyện gì đã xảy ra sau đó đâu. Ngay hôm sau, tôi đã thấy một tít lớn trên khắp các mặt báo: "Ngài Trump gọi bà Condi Rice là một kẻ mưu mô xảo quyệt!". Đó đâu phải những gì tôi đã nói. Thế mới thấy không ai thiếu trung thực bằng cánh báo chí. Tất nhiên vẫn có một số nhà báo chân chính, còn lại thì cũng nhiều tên nhà báo vô lại lắm.
Nếu theo dõi, bạn sẽ thấy nhiệm vụ của bà Condi Rice lúc nào cũng là: Đến gặp gỡ với người đứng đầu, một nhà độc tài tàn ác, một kẻ sát nhân nhẫn tâm... của một đất nước nào đó. Trước tiên bà Rice xuống máy bay, vẫy tay chào đoàn đón tiếp với nụ cười thật rạng rỡ, sau đó là một bài phát biểu ngắn. Rồi bà Rice tới văn phòng của nhà lãnh đạo nước sở tại và chụp ảnh lưu niệm. Những chiếc ghế trong văn phòng được kê lệch góc 450 để người thợ ảnh có thể chụp được những bức ảnh hoàn hảo nhất. Cuối cùng bà Rice rời khỏi văn phòng, vẫy tay chào và lên máy bay. Cuộc gặp gỡ kết thúc và sau đó thì chẳng có gì xảy ra cả.
Tôi có thể kể ra đây tên tuổi của 10 đến 20 nhà đàm phán người Mỹ vĩ đại trên thế giới. Những nhà thương thuyết vĩ đại này có thể giành thắng lợi trong đàm phán với Trung Quốc và Iran cũng như mang về cho nước Mỹ những bản thỏa thuận tốt đẹp đến không ngờ. Tuy nhiên, chúng ta lại đang sử dụng các nhà đàm phán thiện chí nhưng lý thuyết suông và ngây ngô đến mức không biết mình đang làm gì trong hoàn cảnh thực tế khắc nghiệt. Các nhà đàm phán này chưa bao giờ đối mặt với những cuộc thương thuyết mang tính sống còn với những đối thủ tàn nhẫn và độc ác. Giá như chính phủ trọng dụng những nhà đàm phán giỏi nhất của chúng ta thì rất nhiều vấn đề sẽ được giải quyết và nước Mỹ sẽ vươn lên vị trí đứng đầu.
Khi cử người đàm phán hoặc chính bạn tham gia đàm phán, dù là một dự án phát triển bất động sản trị giá một tỉ đô-la, mua một chiếc xe hơi đã qua sử dụng hay ký kết một hiệp ước quốc tế, hãy chắc chắn rằng những người đang thực hiện cuộc đàm phán là những người giỏi nhất.
Đừng tin tưởng hoàn toàn vào bất cứ ai
Trước tôi vẫn thường nói: "Hãy tìm những người giỏi nhất và đặt trọn niềm tin vào họ". Nhưng qua nhiều năm chứng kiến nhiều lọc lừa, gian trá giờ đây tôi nghĩ rằng tốt nhất là "Hãy tuyển những người giỏi nhất nhưng đừng quá tin tưởng họ". Tôi biết nhiều doanh nhân sành sỏi đã tuyển dụng và đặt trọn niềm tin vào các kế toán viên, luật sư và những nhân viên khác. Nhưng cuối cùng chính họ đã bị những con người này bán đứng. Vậy nên giờ đây, phương châm của tôi là "Hãy tuyển những người giỏi nhất nhưng đừng quá tin tưởng họ".
Trước tiên, hãy tìm kiếm những người giỏi nhất. Nhờ The Apprentice mà giờ đây tôi khá nổi tiếng trong lĩnh vực tuyển dụng. Thực sự tôi đã dành rất nhiều tâm huyết vào việc tuyển dụng và đào tạo những người có năng lực để họ trở thành những nhân viên sáng giá trong công việc.
Khi phỏng vấn, tôi luôn cố đánh giá các ứng viên một cách công bằng và nhanh chóng. Tôi không muốn mất nhiều thời gian cho các cuộc phỏng vấn bởi tôi nhận thấy điều đó cũng chỉ mang tính may rủi. Tất cả các bài kiểm tra, những cuộc phỏng vấn hay chiến thắng trong đợt thi tuyển ứng viên cho công việc mới không nói lên được điều gì. Tôi thấy ấn tượng ban đầu mới chính là kim chỉ nam giúp chọn ra những người giỏi nhất. Còn những cuộc họp và phỏng vấn kéo dài hàng giờ chỉ làm lãng phí thời gian.
Ngoài ra, hãy cẩn thận để không tuyển phải những người có quan điểm tiêu cực. Câu tục ngữ "con sâu làm rầu nồi canh" quả không sai. Chỉ cần một người suy nghĩ tiêu cực cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những người xung quanh, làm họ sa sút tinh thần và thậm chí làm tê liệt cả một nhóm làm việc vốn rất nhiệt huyết trước đó.
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng suy nghĩ hoặc hành động tiêu cực có thể gây tổn hại to lớn cho một tập thể. Chỉ cần vài người suy nghĩ tiêu cực là có thể hủy hoại cả môi trường làm việc lành mạnh. Thái độ tiêu cực và thiếu tính xây dựng như chê trách, phàn nàn, than vãn... có khả năng lan truyền giống như một căn bệnh trầm kha và không bao lâu sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người.
Vậy nên khi phỏng vấn các ứng viên, hãy tỉnh táo để không tuyển phải những "con sâu" tiềm ẩn này. Nếu ứng viên phàn nàn về công việc, sếp hay những người đã cùng làm việc với họ lúc trước thì đó chính là dấu hiệu cho thấy bạn sẽ trở thành mục tiêu bị chỉ trích tiếp theo. Khi tuyển dụng, hãy tránh những người hiếu chiến hoặc cau có bởi đó là điềm báo chắc chắn về tính tiêu cực sau này.
Tôi luôn muốn tuyển những người thật thà và trung thành bởi tôi đánh giá rất cao lòng trung thành. Tôi rất quý những người ngay thẳng, thật thà, khiêm tốn, đồng thời tránh tuyệt đối những người quá đề cao bản thân. Tự tin là một đức tính tốt, nhưng giữa tự tin và tự phụ chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng manh.
Tôi không phải là người tự phụ và cũng không thích có những người tự phụ quanh mình. Chẳng ai có thời gian để đáp ứng được yêu cầu của loại người đó. Tốt nhất hãy tìm những người làm việc chăm chỉ, sẵn sàng học hỏi, trung thành và không ngại thử thách. Dĩ nhiên không dễ dàng nhận thấy những phẩm chất này ở những người bạn chỉ mới gặp lần đầu, vì vậy tôi thường dựa vào sự mách bảo của bản năng.
Tôi rất nhạy trong việc nhận biết khi nào có người định chơi xỏ mình. Có thể do môi trường làm việc của tôi đã giúp tôi có được khả năng đó. Hầu như tôi có thể dễ dàng nhận biết được ai đang có ý định vẽ chuyện với mình. Khi tham gia phỏng vấn, thường thì các ứng viên rất muốn bày tỏ sự quan tâm của họ đối với lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Thế nên khi đặt câu hỏi, tôi thường hỏi họ về lãi suất hoặc thế chấp chịu lãi suất biến đổi - những vấn đề mà chỉ có những ai thật sự quan tâm mới có câu trả lời chính xác. Chính câu trả lời của họ sẽ giúp tôi loại ngay được những người không đủ phẩm cách. Một khi phát hiện ứng viên không thành thật với tôi ngay từ đầu, tôi sẽ gạch ngay tên người đó ra khỏi danh sách dự tuyển.
Tuy nhiên, một số người "diễn" thành thạo như những nghệ sĩ thực thụ và có những biểu hiện rất hoàn hảo. Họ biết ăn mặc và nói năng thế nào cho phù hợp. Vậy nên người ta mới nói thật khó phân biệt giữa McCoys thật với những kẻ giả danh. Vì vậy tôi luôn cố tạo ra bầu không khí thật thoải mái để các ứng viên có thể nói trung thực về bản thân cũng như sở thích của họ. Có như vậy thì các ứng viên mới bộc lộ niềm đam mê thực sự của mình, mà có khi không phải là lĩnh vực bất động sản. Họ có thể là những nhà văn hay nhạc sĩ không thành công lắm trong lĩnh vực của mình và muốn dấn thân vào ngành bất động sản chỉ để kiếm tiền. Và đương nhiên đối với những trường hợp đó thì tôi sẽ không tuyển dụng họ bởi chắc chắn là họ không phù hợp.
Nhưng ngược lại, có những ứng viên vẻ ngoài không mấy phù hợp và hầu như không có chút kinh nghiệm nào, nhưng tôi có thể khẳng định rằng họ yêu thích kinh doanh bất động sản thực sự và có thể nỗ lực để hoàn thành tốt việc thực hiện hợp đồng hay quản lý dự án. Chính quan điểm của họ đã cho tôi thấy điều đó. Nếu các ứng viên có quan điểm đúng đắn thì xem như họ đã vượt qua thử thách đầu tiên của tôi. Vấn đề còn lại là kiểm tra trí thông minh của họ. Tôi nhận thấy rằng điểm số các bài kiểm tra hay bằng cấp đều không mấy quan trọng bởi vì không phải những người có nhiều bằng cấp cao là những người thông minh nhất mà chính bản năng và khả năng ứng biến của họ mới phản ánh họ có thực lực hay không. Làm việc lâu với những người giỏi thực sự đã giúp tôi có thể nhận diện được những ứng viên phù hợp. Nếu một người có thể tạo cho tôi cảm giác anh ta là người có đầu óc và xuất sắc như những đồng sự của tôi thì tôi sẽ tuyển anh ta. Tất nhiên cách này không phải bao giờ cũng đúng, nhưng đó là cách tốt nhất giúp tôi đánh giá được trí thông minh của một người.
Khi đã tuyển được nhân viên phù hợp, bạn sẽ phải tiếp tục cân nhắc đến cách quản lý họ. Một trong những bí quyết để trở thành một nhà lãnh đạo tài ba là phải có khả năng phân quyền và giao việc. Với một số người thì điều này không dễ chút nào. Đa số các nhà quản lý đều không yên tâm khi giao toàn bộ công việc cho thuộc cấp bởi họ luôn muốn công việc được hoàn thành theo cách mình muốn. Thế nên nhiều người lãnh đạo luôn bám vào quan điểm "Nếu muốn được việc thì bạn phải tự làm".
Đó là một quan điểm sai lầm. Là một người quản lý, dù hoạt động trong bất cứ lĩnh vực nào thì bạn cũng cần phải có khả năng giao việc, vì bạn không thể bao quát toàn bộ công việc đến từng chi tiết. Tuy nhiên, để giao việc cho nhân viên, bạn phải nắm được công việc của họ, phải khiến họ nể phục bởi khả năng quản lý bao quát của bạn, nếu không mọi thứ sẽ đi chệch hướng.
Tôi chắc rằng các giám đốc điều hành của hãng Coca- Cola vẫn còn choáng váng sau vụ một nữ thư ký của hãng bị buộc tội bán những bí quyết thương mại của công ty cho đối thủ cạnh tranh là hãng Pepsi.
Lần đó Coca-Cola đã rất may mắn khi các giám đốc điều hành của Pepsi đều là những người trọng dạnh dự và uy tín của công ty nên đã từ chối thẳng đề nghị của cô thư ký đó. Đương nhiên sau đó cô ta và đồng bọn bị sa thải và giờ đây đang phải trả giá đắt cho những gì đã gây ra. Trong trường hợp này Coke đã rất may mắn bởi Pepsi đã hành động rất "đẹp". Riêng đối với cá nhân tôi, tôi thật sự tôn trọng cách hành xử của những nhà lãnh đạo của Pepsi vì tôi biết trong thương trường khắc nghiệt, nhiều nơi có thể đã có thể chơi bẩn nhằm lật đổ đối thủ.
Vụ này đã khiến Coke và các tập đoàn khác không chỉ đánh giá lại cách thức giữ an toàn thông tin nhạy cảm của công ty mà còn chú ý sát sao hơn đến quá trình tuyển dụng nhân viên. Mọi người thường chỉ cẩn trọng khi tuyển vị trí phụ trách lương hoặc nhân viên kế toán, nhưng bạn cũng cần phải rất thận trọng với những vị trí tiếp xúc với thông tin mật của công ty - cho dù đó là ngài phó chủ tịch hay chỉ là một nhân viên tiếp tân.
Ngoài ra, để tránh bị nhân viên phản bội, bạn nên làm cho họ cảm thấy họ là một phần không thể thiếu của công ty. Nếu tất cả nhân viên đều cảm thấy mình đóng một vai trò quan trọng đối với bộ máy hoạt động của công ty thì chắc chắn những trường hợp kể trên sẽ không diễn ra.
Tôi xin đưa ra đây một ví dụ điển hình cho lòng nhiệt thành của nhân viên đối với công việc và đối với người quản lý trực tiếp của mình. Hideki Matsui là vận động viên bóng chày của đội New York Yankees(8). Trong một trận gặp đội Boston Red Sox, anh đã bị chấn thương cổ tay khi bắt bóng và không may là trận đó đội Yankees đã bị thua. Chấn thương đó của Matsui cũng đã kết thúc sự nghiệp thi đấu của anh sau khi anh đã tham gia 1.768 trận đấu liên tục với 1.250 trận khoác áo cho đội Yomiuri Giants ở Nhật Bản.
Khi nhận được tin có thể sẽ phải làm khán giả trong suốt khoảng thời gian còn lại của mùa thi đấu, Matsui đã không hề cáu giận, bất mãn hay buông lời chửi rủa. Trái lại, điều đầu tiên Matsui làm là nói lời xin lỗi với khán giả cũng như đồng đội của mình: "Tôi rất lấy làm tiếc và rất thất vọng vì đã để cho đội mình bị thua. Tôi sẽ cố hết sức để sớm hồi phục và trở lại thi đấu cùng với đội".
Khi tôi kể chuyện Matsui với Joe Torre, huấn luyện viên kiêm người quản lý tuyệt vời của đội New York Yankees đồng thời là bạn tôi, anh cho biết mình không ngạc nhiên về lời xin lỗi của cầu thủ này. Joe Torre nói rằng, trước đây, bất cứ khi nào mắc lỗi trong lúc thi đấu, Matsui đều lên tiếng xin lỗi. Không chỉ luôn bày tỏ sự cảm kích của mình đối với Joe Torre, Matsui còn luôn cảm ơn ông vì đã chỉ dẫn và rèn luyện cho anh mỗi ngày, để anh có thể giữ được sự nhanh nhạy trong thi đấu lâu đến vậy. Nếu nhân viên nào cũng có cảm nhận về công việc của mình như Matsui thì chẳng phải sẽ rất tuyệt sao? Và để tất cả nhân viên của bạn đều có thái độ và lòng trung thành như thế thì đó quả thật là một lý tưởng đáng để cố gắng.
Thực tế là tôi đánh giá lòng trung thành cao hơn mọi thứ khác kể cả trí thông minh, sự nỗ lực hay năng lực cá nhân. Khi đợt phát sóng thứ tư của The Apprentice đi được nửa chặng đường, nhiều người hỏi tôi rằng tại sao không sa thải cô nhân viên Rebecca Jarvis sau vụ tranh cãi nảy lửa giữa chúng tôi trong phòng họp ban giám đốc.
Vốn dĩ cuộc tranh cãi đó bắt nguồn từ việc Rebecca xung phong làm quản lý dự án của đội nữ dù đã bị ngã trẹo mắt cá chân từ tuần trước. Tôi đoán Rebecca muốn chứng tỏ cho tôi thấy cô ta dẻo dai ra sao và có thể lãnh đạo đội một cách hiệu quả bất chấp trở ngại của mình. Chính thái độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro của Rebecca đã gây ấn tượng mạnh với tôi. Nhưng đáng tiếc, sự mạo hiểm của Rebecca không mang lại thành công cho đội của cô. Và thế là trong cuộc họp nội bộ tại phòng họp ban giám đốc, không khí đã trở nên hết sức ồn ào khi những người thuộc đội Rebecca đều đang đổ vấy thất bại cho nhau.
Đa số thành viên của đội Rebecca đều cho rằng thất bại này là do khả năng làm việc kém cỏi của Toral Mehta. Tuy nhiên Rebecca vẫn kiên định bảo vệ cho Toral vì đó là người đã giúp Rebecca khi cô bị đau chân. Vả lại Rebecca còn ngưỡng mộ Toral bởi đã tốt nghiệp trường Đại học Tài chính Wharton danh tiếng, ngôi trường tôi cũng từng theo học. Rebecca biết rõ lý lẽ của các thành viên trong đội. Thế nên, thay vì cùng Toral tới phòng họp ban giám đốc, nơi Toral chắc chắn sẽ nhận được ngay lệnh sa thải, Rebecca đã đưa Toral về căn hộ của mình.
Với tư cách cá nhân, tôi đã khuyên Rebecca nên đưa Toral đến phòng giám đốc cùng cô nhưng Rebecca không hề thay đổi quyết định. Chính vì thái độ kiên quyết bảo vệ Toral mà Rebecca đã cho tôi thấy cô ấy có một lòng trung thành tuyệt vời. Dù rất muốn sa thải Rebecca nhưng tôi đã không làm thế vì tôi luôn đánh giá lòng trung thành cao hơn những phẩm cách khác. Tôi đã bị ấn tượng bởi tính kiên định của Rebecca và đã thay đổi quyết định bởi chính sự cống hiến nhiệt tình đó của cô ấy. Hiện nay Rebecca đang có một công việc hấp dẫn tại CNBC.
Điều quan trọng nhất trong một văn phòng làm việc chính là tinh thần đồng đội. Nếu một nhóm làm việc toàn những người chỉ chăm chăm nghĩ đến lợi ích cá nhân thì nhóm đó sẽ hoạt động không hiệu quả. Tôi đãi ngộ rất tốt với những nhân viên giỏi đã gắn bó với tôi hàng chục năm vì lòng trung thành của họ đối với tôi nói riêng cũng như với Tổ chức Trump nói chung. Tất cả chúng tôi đều luôn cùng nhau làm việc hết sức mình để trở nên thành công hơn.
Qua nhiều năm làm việc, những nhân viên giỏi nhất của tôi đã cho thấy rằng họ luôn cống hiến hết mình cho những mục tiêu chung mà chúng tôi hướng tới. Tôi đãi ngộ họ thật tốt cũng vì điều đó. Và tôi nghĩ lý do chúng tôi có nhiều nhân viên trung thành là do chúng tôi đãi ngộ xứng đáng. Đó là điều mà trên thực tế, hầu hết các nhân viên tại Tổ chức Trump đều nhận thấy và giờ đây điều đó đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa doanh nghiệp tại công ty chúng tôi. Những người như Allen Weisselberg, Matt Calamari... đều là những người tuyệt vời và họ đã chứng tỏ được bản thân qua nhiều năm.
Tất nhiên thực tế không phải công ty nào cũng như chúng tôi. Có rất nhiều công ty yêu cầu nhân viên phải trung thành nhưng không hề đãi ngộ họ vì điều đó. Với cách làm như vậy, những công ty đó chắc chắn sẽ mất đi những nhân viên tài năng và có phẩm cách. Các giám đốc cấp cao trong Tổ chức Trump đã không chỉ thể hiện lòng trung thành với chúng tôi mà còn đãi ngộ tốt với thuộc cấp của họ, và đó là một phần lý do tại sao chúng tôi rất thành công trong việc giữ chân những người tài.
Ai cũng cần cơ hội để sửa sai
Lúc mới đăng quang, hoa hậu Mỹ Tara Conner đã vi phạm các nguyên tắc dành cho người của công chúng khi sử dụng thuốc kích thích và thức uống có cồn quá mức cho phép một cách công khai ở thành phố New York. Tôi không thể tha thứ cho hành động thiếu kiểm soát của một hoa hậu đại diện cho cả nước Mỹ và đã định tước bỏ danh hiệu hoa hậu của Tara. Nhưng tôi lại rất tin vào việc tạo cơ hội cho người khác sửa sai nên đã thu xếp một cuộc gặp gỡ với Tara Conner. Sau buổi nói chuyện, tôi nhận thấy đối với trường hợp của Tara, điều đúng đắn tôi nên làm là hãy tha thứ và cho cô ấy một cơ hội để sửa sai. Nếu có theo dõi thì như bạn biết đấy, quyết định đó của tôi đã dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong giới truyền thông.
Giới truyền thông tỏ ra rất bất bình và yêu cầu phải có một lời giải thích. Tôi giải thích rằng do lần đầu tiên một thân một mình đến New York nên Tara đã không kiềm chế được bản thân. Tara đã quá ham hố tiệc tùng và không biết cách tự bảo vệ mình, nhưng giờ đây cô ấy đã hiểu biết hơn. Bản chất Tara là một người tốt và đã mắc sai lầm, nhưng cô sẵn sàng rút kinh nghiệm từ chính sai phạm của mình và sẽ không để chuyện đó xảy ra nữa. Do nhận thấy Tara thành tâm thay đổi nên tôi đã quyết định tạo cơ hội cho cô ấy sửa sai. Và điều này sẽ tốt hơn là phá hỏng sự nghiệp cũng như cướp đi những cơ hội trong cuộc sống của Tara.
Có nhiều lý do khiến tôi tin rằng việc cho Tara cơ hội sửa sai là một việc làm đúng đắn. Cô ấy đã phải nỗ lực rất nhiều để giành được danh hiệu hoa hậu, và tuy đã mắc sai lầm, nhưng Tara đã thể hiện rất rõ quyết tâm không tái phạm khi nhận được cơ hội sửa sai mà tôi mang lại cho cô ấy. Vì vậy nên cuối cùng Tara cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của một đương kim hoa hậu và tiếp tục ủng hộ hết mình cho các mục tiêu của cuộc thi hoa hậu Mỹ.
Những người trong Tổ chức Trump biết chuyện tôi tha thứ cho Tara đều cho rằng đó là một quyết định hợp lý - và chính điều đó đã củng cố thêm lòng trung thành của họ đối với tôi. Về phần mình, do không bao giờ bắt mình phải chạy theo hai chữ "hoàn hảo" nên tôi không thấy lo lắng nếu có bị chỉ trích khi lỡ mắc sai lầm.
Ai trong chúng ta rồi cũng có lúc mắc sai lầm. Thế nên đừng đẩy những người trót phạm sai lầm vào đường cùng. Nếu quá khắt khe với các sai phạm thì tức là bạn đang đặt ra một tiêu chuẩn mà khó người nào đáp ứng được, và nếu thế thì nhiều người sẽ làm việc dè chừng để không phạm sai lầm. Các sai phạm có thể sẽ giảm, nhưng khả năng giải quyết công việc một cách khéo léo của nhân viên cũng như hiệu quả trong công việc cũng theo thế mà giảm dần. Nếu muốn đạt được kết quả mỹ mãn, bạn phải trao cho nhân viên thẩm quyền để điều hành công việc của họ. Bạn phải biết rút kinh nghiệm từ sai lầm cũng như phải học cách tha thứ và thậm chí phải biết cân nhắc bỏ qua các sai phạm.
Tất nhiên có nhiều chuyện không dễ để tha thứ. Tôi không thể và sẽ không bao giờ tha thứ cho những người ăn cắp, làm giả sổ sách hay tham gia vào các vụ gian lận. Và tôi cũng không bao giờ tha thứ cho những người liên tục đưa ra các quyết định sai lầm.
Một phẩm chất tôi cố nuôi dưỡng trong lòng đội ngũ nhân viên của mình là sự quan tâm trọn vẹn dành cho tổ chức. Tôi đãi ngộ những người toàn tâm toàn ý đối với tổ chức Trump và xem thành công của công ty như chính thành công của mình.
Ngoài ra, tôi cũng quý trọng những nhân viên biết tiết kiệm tiền cho công ty bởi nếu nhân viên không chịu kiểm soát chi phí, chắc chắn tình hình công ty sẽ trở nên tồi tệ.
Một điều nữa cũng rất quan trọng, đó là dù tham vọng là điều cần thiết để tiến bộ, nhưng nếu một cá nhân nào đó quá tham vọng thì họ có thể làm hỏng dần mục tiêu chung của công ty. Một tổ chức chỉ thành công khi tất cả nhân viên đều đặt lợi ích của công ty lên hàng đầu. Tôi luôn sẵn sàng tha thứ cho những người tuy mắc sai lầm nhưng thành thật nhìn nhận và có ý sửa sai. Hãy luôn nhớ rằng, không ai hoàn hảo, vì thế hãy học cách tha thứ cho người khác và cho chính mình.
Đặt ra yêu cầu cao cho bản thân và những người khác
Hãy kỳ vọng điều tốt nhất ở mọi người, bởi điều đó không chỉ giúp mọi người có động lực vươn lên mà quan trọng hơn là thấm nhuần trong họ sự tự tin để vượt qua thử thách. Hãy cho mọi người cơ hội để tỏa sáng. Ngoài ra, đừng giới hạn khả năng làm việc của bất kỳ ai nếu chỉ dựa vào vị trí hay chức danh của họ. Tôi đã chứng kiến rất nhiều người tài năng có thể làm những việc vượt xa hơn chức danh họ.
Hơn 20 năm trước, tôi đã tuyển Matthew Calamari làm nhân viên an ninh cho công ty và nhận thấy anh chàng này có thể làm nhiều thứ hơn công việc của một anh bảo vệ. Sau đó, tôi đã cho Matthew Calamari cơ hội thể hiện năng lực làm việc thực sự của mình và rồi anh ta đã trở thành một phó giám đốc điều hành. Hiện nay, Matthew Calamari đang là giám đốc điều hành của Trump Properties. Matthew đã trở thành một nhân viên tận tâm và đáng tin cậy. Thử hình dung nếu không được tạo cơ hội thì có lẽ Matthew đã không thể bộc lộ được tài lãnh đạo của mình.
Không nên đánh giá thấp bất kỳ ai. Trái lại, hãy cho người khác cơ hội và hãy là chất xúc tác cho sự thành công của họ. Bạn nên nhớ rằng chúng ta không phải đang sống trong một thế giới lý tưởng, không ai là hoàn hảo và thậm chí còn có một số người xấu xa luôn cố tìm cách hại bạn; thế nên hãy sử dụng bản năng của bạn để tuyển dụng những người giỏi nhất có thể nhưng đừng quá tin tưởng họ. Hãy tạo ra một môi trường làm việc thoải mái, công bằng, và hãy đãi ngộ xứng đáng đối với những nhân viên có phẩm chất tốt, không chỉ giỏi trong công việc mà còn trung thành với bạn cũng như với công ty của bạn. Hãy đặt ra những yêu cầu cao đối với nhân viên của mình và họ sẽ bộc lộ khả năng trong môi trường đầy thử thách như vậy. Đừng tỏ ra quá khắt khe khi có người mắc lỗi bởi bất kỳ ai cũng có thể phạm phải sai lầm. Hãy sẵn sàng tạo cơ hội cho những người có thành ý sửa sai.
CHIA SẺ CỦA ZANKER
Bản thân bạn có thể làm được nhiều việc, nhưng để đạt được những điều thực sự quan trọng trong cuộc sống, bạn cần phải có người hỗ trợ. Vì vậy trong kinh doanh, việc tuyển dụng những người giỏi nhất có thể trở thành yếu tố quyết định ảnh hưởng đến sự thành bại của bạn. Donald nói đúng; bạn phải cẩn trọng để tránh các thái độ tiêu cực và hãy phát huy tối đa tính tích cực ở mỗi cá nhân. Dưới đây là một số mẹo nhỏ trong việc quản lý nhân viên mà tôi đã áp dụng và thấy rất hiệu quả.
Thưởng trước khi công việc hoàn thành
Người bạn thân của tôi là John Goodfriend đã khuyên tôi: "Cậu nên hào phóng boa cho người phục vụ quầy rượu trước khi gọi cốc đầu tiên thay vì đợi đến lúc rời quán". Trên thực tế, tôi vẫn thường làm theo lời khuyên này trong cuộc sống cũng như trong công việc. Một lần, gia đình tôi cùng gia đình một người bạn đi nghỉ tại một khu nghỉ mát có hình thức phục vụ theo dạng trọn gói cho từng hộ gia đình ở Jamaica. Cả hai nhà đều có trẻ nhỏ, và chúng tôi rất mừng vì dịch vụ trọn gói có bao gồm cả một cô trông trẻ. Lúc vừa mới đến nơi, tôi đã hào phóng boa ngay cho cô trông trẻ và cô ấy đã vui vẻ, nhiệt tình chăm sóc các con tôi hết sức chu đáo.
Do vẫn theo thói quen nên khi chuẩn bị rời đi, gia đình bạn tôi mới boa cho cô trông trẻ của mình. Nhưng trong suốt tuần đó, tôi để ý thấy người trông trẻ bên gia đình bạn tôi đã làm việc với một thái độ miễn cưỡng và không vui vẻ chút nào. Tất nhiên việc boa sau cho cô trông trẻ đó là hoàn toàn bình thường, nhưng gia đình bạn tôi đã thể hiện lòng hào phóng của họ quá muộn, nên với cùng số tiền bỏ ra, nhưng họ đã không nhận được kết quả tốt nhất.
Khi quyết định The Learning Annex sẽ tổ chức một loạt cuộc hội thảo đầu tư về CÁCH LÀM GIÀU, và biết rằng chúng tôi sẽ phải nỗ lực rất nhiều cho dự án đó, tôi đã tổ chức ngay một cuộc họp với toàn thể nhân viên của mình trong suốt hai ngày cuối tuần tại khách sạn Doral xinh đẹp ở Westchester, New York. Và việc đầu tiên tôi làm trước khi bắt đầu buổi họp là trao cho mỗi người tại phòng họp một phong bì 10.000 đô-la như một khoản thưởng trước. Tôi nói với mọi người rằng: "Đây chỉ là chút phần thưởng dành cho công sức của mọi người trong thời gian sắp tới". Kết quả là chúng tôi đã tổ chức được một buổi họp hiệu quả nhất từ trước tới nay trong lịch sử hoạt động của The Learning Annex.
Ngay sau buổi họp, những nhân viên sống xa gia đình đã gọi về nhà để khoe với chồng hoặc vợ mình về khoản tiền thưởng hậu hĩnh này. Thế nên thay vì bị vợ hoặc chồng phàn nàn hoặc tự bản thân cảm thấy uể oải khi tham gia dự án lần này, các nhân viên của tôi đã được nghe người bạn đời của mình nhắn nhủ rằng: "Cuối tuần này mình hãy gắng làm việc thật chăm chỉ nhé. Tôi sẽ đợi cửa ở nhà". Đối với một số người trong công ty, 10.000 đô-la là cả một phần tư tháng lương của họ, và không ai nghĩ rằng mình được nhận một khoản tiền thưởng lớn như vậy. Vì thế mà hành động đó của tôi đã làm cho họ thay đổi quan điểm. Giờ đây mỗi khi phải đi công tác xa vào cuối tuần, nhân viên của tôi đều mong sẽ nhận được một "cái phong bì". Và tôi cũng không bao giờ làm cho nhân viên của mình phải thất vọng nếu biết rằng họ xứng đáng được nhận "cái phong bì" đó.
Học mà chơi, chơi mà học
Sau buổi hội thảo đầu tư đầu tiên, dù chúng tôi đã có được một khoản tiền tương đối nhưng tôi vẫn quyết định triệu tập một cuộc họp để tổ chức buổi hội thảo tiếp theo tốt hơn nữa. Chúng tôi nhận thấy rằng không khí của hầu hết các buổi học đều quá nghiêm trang. Mọi người dành cả ngày cuối tuần để học, nhưng một trong những tiêu chí hàng đầu của The Learning Annex là học mà chơi, chơi mà học. Vậy thì làm thế nào chúng tôi có thể tổ chức buổi hội thảo theo mô hình như vậy? Có người đã nói đùa rằng: "Hãy thuê các sứ giả hài hước". Khi nghe thấy vậy tôi đã nói: "Đó là một ý tưởng tuyệt vời".
Trước khi buổi hội thảo thứ hai được tổ chức tại Los Angeles, tôi đã tới đó trước cả tuần để đến các quán bar, nhà hàng, quán trọ tìm thuê những con người vui vẻ, hài hước nhất cho buổi hội thảo. Tôi đã tuyển được một trăm người cả nam lẫn nữ và giao cho họ công việc xuất hiện tại các đám đông để phát kẹo, quà cũng như cổ vũ, nhảy múa hay chơi bóng chuyền bãi biển. Điều đó thực sự mang lại hiệu quả. Mọi người tham gia hào hứng và sôi động hơn nhiều. Hiện tại, chúng tôi đang thuê những vũ công múa ba lê xinh đẹp tới làm "sứ giả hài hước" trong mọi buổi hội thảo của The Learning Annex, và nhiều người trong số họ còn đi lưu diễn khắp cả nước cùng chúng tôi.
Tôi còn bổ sung một số yếu tố hấp dẫn về giới vào chương trình giáo dục dành cho người thành niên được tổ chức ở New York, và sau đó là trong phạm vi cả nước, bằng cách in hình các cô gái xinh đẹp lên trang bìa những tạp chí của tôi hoặc những tạp chí nổi tiếng khác như New York, People, US Weekly hay Esquire. Tôi đã đánh tan sự ù lì trong ngành giáo dục truyền thống, khiến nó trở nên cuốn hút và hài hước hơn. Và với bất cứ doanh nghiệp hoặc ngành nghề nào, chúng ta đều có thể thực hiện được điều tương tự như vậy. Vì vậy hãy nhìn nhận công việc theo góc độ khác, đồng thời hãy luôn đặt ra cho mình câu hỏi xem làm thế nào để thay đổi, cải tiến và làm cho sản phẩm của mình trở nên thân thiện với người dùng hơn?
Tham vấn lời khuyên của các chuyên gia
Hãy làm theo lời khuyên của Jim Collins: "Hãy đưa những người thông minh lên cùng chuyến xe của bạn" được trích trong cuốn sách xuất sắc của ông mang tựa đề: "Good to Great: Why Some Companies Make the Leap... and Others Don't".
Những năm 1980, khi bắt đầu khởi nghiệp với The Learning Annex, công việc tiến triển nhanh tới mức tôi đã phải cần ngay một giám đốc tài chính. Nhưng do không tìm được người thích hợp nên tôi đã phải đăng quảng cáo tuyển dụng, hỏi dò khắp nơi và thậm chí là thuê hẳn một chuyên gia "săn đầu người" với cả đống tiền nhưng rốt cuộc anh ta tìm cho tôi toàn những người không được việc. Sau đó, một hôm đang dùng điểm tâm tại một tiệm bánh ở Greenwich Village, tôi đã chú ý tới anh chàng bồi bàn trông quen quen. Rồi tôi cũng nhận ra anh chàng chính là Clive Kabatznik, một người tôi biết khi còn học ở đại học, và tôi nhớ đó là một người rất thông minh. Tôi thắc mắc không hiểu tại sao một anh chàng thông minh như vậy lại đang làm bồi bàn trong một tiệm bánh vòng.
Thế là chúng tôi bắt đầu nói chuyện và trở nên thân mật lại với nhau. Clive là người gốc Nam Phi. Anh đang đi du lịch vòng quanh nước Mỹ và bắt đầu làm việc tại tiệm bánh vòng sau khi đã hết sạch tiền. Trong lúc nói chuyện, tôi nhanh chóng nhận thấy Clive về cơ bản có thể làm được bất cứ việc gì. Và chỗ trống duy nhất trong công ty tôi lúc bấy giờ là vị trí giám đốc tài chính (CFO - Chief Financial Officer). Tôi thầm nghĩ: "Clive thông minh và mình cảm thấy tin tưởng anh ấy. Mình có mất gì đâu chứ?".
Quả thật Clive là một giám đốc tài chính tuyệt vời. Và sau này, ngay cả khi Clive đã rời khỏi The Learning Annex, tôi vẫn thường tham vấn lời khuyên quý báu của anh. Hiện nay, Clive là một doanh nhân rất thành công, kiếm được hàng triệu đô-la và đang bắt đầu mua bán nhiều công ty. Với tôi, những người thông minh luôn là lựa chọn số một.
Khi mua lại The Learning Annex vào năm 2001, tôi đã nghĩ rất nhiều về vấn đề làm sao mời được những người thông minh nhất, đáng tin cậy nhất mà tôi biết về làm việc cho mình. Và Andy Hyams là một trong những người bạn cũ thông minh nhất mà tôi biết. Chúng tôi từng là những người bạn tốt nhất của nhau kể từ năm học lớp
4. Về sau, Andy theo học trường Luật và trường Y tế cộng đồng thuộc Đại học Harvard và đã rất thành công trong sự nghiệp về lĩnh vực cộng đồng. Những đóng góp của Andy đối với cộng đồng khiến tôi rất khâm phục nhưng lúc này tôi nhận thấy Andy hình như không còn hứng thú nhiều với công việc như trước. Chỉ cần nghe cách Andy nói chuyện về công việc là đủ thấy trái tim anh không còn dành nhiều cho nó nữa.
Vì vậy tôi rất muốn Andy về làm việc cho The Learning Annex, nhưng không muốn gượng ép anh. Một lần, tôi nói với Andy: "Mình muốn mời cậu tới chương trình "Giải phóng năng lượng vào ngày cuối tuần" của Tony Robbins". Đây là một chương trình kéo dài trong ba ngày và những người tham dự sẽ phải bước chân trần trên than hồng một quãng ngắn. Tôi không dám chắc Andy có muốn bước chân trần trên than hồng hay không, nhưng ngoài trò đó, tôi biết Tony Robbins còn có nhiều trò thú vị khác.
Vốn là một người hay hoài nghi nên lúc đầu Andy đã đưa ra một số lý do rất khéo léo để từ chối tham dự chương trình cuối tuần của Tony Robbins. Nhưng cuối cùng Andy cũng tin tưởng tôi và đồng ý tham gia.
Hết kỳ nghỉ cuối tuần, từ San Diego, Andy đã gọi cho tôi: "Cuộc sống của tớ đang thay đổi". Tôi thật sự mừng cho Andy bởi không có gì quan trọng hơn điều đó. Nhưng tôi vẫn gặng hỏi: "Thế cậu có đi trên than hồng không?". Andy trả lời: "Có chứ. Và mình đang tính sẽ cho đăng thông báo và treo biển hiệu khi đi làm lại. Mình định mở văn phòng luật sư riêng". Tôi vui mừng nói: "Thật tuyệt! Mình vô cùng tự hào được là khách hàng đầu tiên của cậu đấy".
Mọi người đều cho rằng tôi thật điên rồ khi thuê một luật sư không có chút kinh nghiệm gì về thương thảo trong kinh doanh cũng như các vấn đề về thuế. Nhưng tôi đã trấn an họ rằng: "Các vị đừng nên lo lắng. Thứ nhất, anh ấy là một người thông minh, có óc phán đoán tuyệt vời và không hề tự phụ. Thứ hai, khi không am hiểu về một vấn đề gì đó, anh ấy sẽ có cơ hội để học hỏi. Thứ ba là nếu không thể học hỏi được thì tôi vẫn tin tưởng rằng anh ấy sẽ đi thuê chuyên gia về giải quyết vấn đề cho chúng ta. Anh ấy sẽ chăm lo cho tiền đồ của The Learning Annex như chính tiền đồ của mình".
Và những gì tôi nói đã đúng. Andy làm việc rất nhiệt tình và hiệu quả. Thật tuyệt vời khi có sự giúp sức của Andy để tạo nên những thành công liên tiếp của The Learning Annex.
Tôi nhớ Donald Trump vẫn thường nói "Lòng trung thành đáng giá hơn tất cả những điều khác". Tôi hơi khác người trong việc tuyển dụng, và nói thật là hầu hết mọi người làm việc cùng tôi đều không gắn bó quá lâu với công ty. Chính vì vậy mà tôi đã đặt ra các tiêu chuẩn rất cao. Với cương vị là một doanh nhân, tôi đã học được một điều rằng: là người lãnh đạo, bạn phải làm gương cho người khác. Đối với tôi, điều đó thật dễ dàng bởi tôi là người luôn đặt ra các tiêu chuẩn rất cao cho bản thân. Tôi làm việc cả ngày và kỳ vọng các giám đốc điều hành của mình cũng như vậy. Vào những ngày cuối tuần hay các kỳ nghỉ khác, tôi vẫn làm việc và cũng mong đợi nhân viên mình làm thế. Và nếu nhân viên hay vị giám đốc điều hành nào của tôi muốn làm việc theo giờ hành chính thì cũng không sao, nhưng họ sẽ không bao giờ đi tới cùng để có được thành công cùng tôi.
Thế nên nếu một ứng viên hỏi tôi về giờ giấc làm việc thì có nghĩa cuộc phỏng vấn đã thất bại. Với tôi, việc trao đổi công việc qua lại bằng email với các giám đốc điều hành của mình vào lúc 2 giờ sáng là chuyện thường xuyên. Và để làm việc được liên tục 24/24 giờ, ngoài tinh thần làm việc có trách nhiệm, bạn cần phải có lòng đam mê cùng sự khao khát thực hiện công việc tốt hơn bất cứ người nào khác. Tôi là một người ưa mạo hiểm và thích làm việc với những người cũng ưa mạo hiểm như mình.
Còn nhớ năm 1986, có một thanh niên xin vào công ty tôi làm việc, nhưng tôi từ chối vì nhận thấy anh ta không có chút kinh nghiệm nào. Tuy nhiên anh chàng vẫn tiếp tục gửi thư thay vì trực tiếp tới văn phòng tôi như trước. Sau sáu tháng liên tục bị từ chối, anh ta quyết định xin làm không lương. Quả là một quyết định điên rồ, nhưng điều đó đã cho tôi thấy anh chàng này rất nhiệt huyết. Anh ta thực sự muốn làm tại công ty tôi bằng bất cứ giá nào, và vì thế tôi đã tuyển anh ta. Cho tới nay, Harry Javer - tên của chàng thanh niên thiếu kinh nghiệm ngày nào - đã làm việc với tôi được 20 năm và là giám đốc điều hành chịu trách nhiệm thực hiện các buổi hội thảo lớn của chúng tôi.
Tôi muốn nhắc đến một người tuyệt vời nữa. Đó chính là Healther Moore - một người có kinh nghiệm quản lý các câu lạc bộ đêm cũng như làm bầu sô. Tuy không biết gì về việc kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông nhưng bù lại, Healther là một người thực sự tận tâm, cẩn thận và sôi sục tinh thần "tôi có thể làm được bất cứ việc gì". Hiện nay Healther không chỉ điều hành bộ phận truyền thông với giao dịch hơn 20 triệu đô-la một năm mà còn cả phòng xuất bản và phòng quan hệ công chúng của chúng tôi.
Không ai trong công ty tôi in chức vụ trên danh thiếp của mình, chủ yếu là do chúng tôi luôn giữ các vai trò khác nhau tại những cuộc họp khác nhau.
Thế nên bên cạnh Harry và Healther, còn có rất nhiều nhân viên cùng các chuyên gia cố vấn khác gắn bó với tôi trong nhiều năm qua và tất cả họ đều có chung những phẩm chất tuyệt vời. Đó là những con người có lòng đam mê, trung thành, mẫn cán với công việc, và đặc biệt họ đều là những người có chung suy nghĩ "không có gì là không thể". Có một câu nói thế này: những cái xoàng xĩnh thường mang một vỏ bọc đẹp đẽ. Và tôi luôn nghĩ về điều này khi tiến hành tuyển dụng. Nếu các ứng viên không có khả năng hoặc không thể trở nên xuất sắc thì có nghĩa là họ đang chiếm chỗ của ai đó thực sự có năng lực.
Chính vì không có được nguồn ngân sách khổng lồ cùng đội ngũ nhân viên hùng hậu nên các doanh nhân luôn phải tuyển những người có khả năng làm việc bằng mười người gộp lại. Vì lý do này mà tôi có xu hướng tuyển những người thực sự thông minh, năng động và hiểu biết về nhiều lĩnh vực. Khi cần tới chuyên viên, tôi thuê hẳn nhà tư vấn. Và nếu đã tuyển được những con người thông minh luôn sẵn sàng làm việc chăm chỉ thì bạn không còn cần tới một đội ngũ nhân viên hùng hậu với mức lương cao ngất nữa.
Hãy chia sẻ sự giàu có
Tôi là người có niềm tin mãnh liệt rằng bạn phải đãi ngộ mọi người xứng đáng với những gì họ đã làm. Những người gắn bó lâu dài với tôi luôn nhận được sự đãi ngộ rất tốt. Chúng tôi chuyên về lĩnh vực hội thảo đầu tư tài chính nhưng lại hoạt động giống như một công ty ở Phố Wall; đó là do mọi người đều được chia sẻ sự giàu có. Tôi áp dụng chiến lược này không chỉ với các nhân viên hay những nhà tư vấn của mình mà còn với cả bất cứ ai tôi đã từng làm việc cùng. Bạn phải biết chia sẻ chiếc bánh thành công với những người làm việc cho bạn. Trả lương cao hơn cho những người xứng đáng là việc nên làm. Và nếu nhân viên nào có thái độ chây ì trong công việc thì hãy dứt khoát cho người đó nghỉ việc ngay trước khi họ gieo rắc "căn bệnh" cho cả công ty.
Bốn năm trước, tôi có thuê một nhân viên làm công việc tạo mối liên hệ để mời các diễn giả tới The Learning Annex diễn thuyết, và theo tôi thì anh ta làm tạm được. Để tìm hiểu kỹ hơn về công việc và con người của người này, tôi đã rủ anh ta đi ăn trưa và nhận thấy anh ta đang gặp khó khăn về tài chính. New York là một thành phố đắt đỏ, vậy mà hầu như số tiền kiếm được anh ta lại tiêu hết cho sở thích của mình là mua sắm quần áo và giày dép. Thế nên anh ta toàn mất thời gian nghĩ ngợi về chuyện tiền bạc mà không phải là việc làm thế nào để có thể mời được các nhà diễn thuyết tới công ty chúng tôi. Sau bữa trưa, trên đường trở về văn phòng, tôi đã nghĩ không biết phải làm sao với anh chàng này. Lúc ngang qua Đại lộ số 5, anh ta đã nhìn thấy một bộ com-lê hiệu Versace sau cửa kính và thốt lên: "Bộ com-lê đó đẹp thật!". Tôi liền nói với anh ta: "Chúng ta hãy vào xem một lát". Anh chàng thử bộ com-lê đó và quả thật trông anh ta rất tuyệt, song cái giá của nó thì không mềm chút nào, khoảng 7.000 đô-la.
Thời điểm đó, tôi rất muốn mời Tiến sĩ Nicholas Perricone, một bác sĩ da liễu nổi tiếng, đến diễn thuyết. Tôi biết anh chàng nhân viên của mình đã cố gắng suốt mấy tuần liền để mời mọc nhưng đáng tiếc là Perricone luôn lảng tránh anh ta. Vì vậy, tôi nói với anh ta: "Nếu mời được Perricone, tôi sẽ mua cho cậu bộ com-lê đó." Chúng tôi trở về văn phòng và vài tiếng sau, tôi đã thấy anh ta rời khỏi văn phòng. Tôi hỏi "Cậu định đi đâu đấy?". Anh chàng đáp: "Đi lấy bộ com-lê của tôi". Tôi nhìn lên bảng danh sách những người nổi tiếng đồng ý diễn thuyết và thấy yên tâm vì anh chàng đã mời được Perricone. Các lãnh đạo doanh nghiệp đều phải thừa nhận rằng nếu muốn nhân viên dốc hết tâm sức làm việc để mang lại kết quả mỹ mãn thì chính các nhà lãnh đạo cũng phải đưa ra một phần thưởng tuyệt vời không kém. Giờ đây, tuy không còn làm việc cho tôi nữa, nhưng anh chàng đó vẫn cứ cảm ơn tôi vì đã tạo động lực thúc đẩy anh ta vượt lên chính mình. Nghe có vẻ là một công thức đơn giản nhưng rất nhiều chủ doanh nghiệp vẫn chỉ thưởng cho nhân viên hết sức keo kiệt và kết quả là chính họ cũng như công ty của họ phải lãnh hậu quả. Nếu một nhân viên của tôi làm việc hết sức mình và mang lại cho tôi một khoản lợi nhuận sau thuế là 100.000 đô-la thì khoản tiền thưởng 25.000 đô dành cho anh ta là hoàn toàn xứng đáng.
Thế giới là một nơi cực kỳ khắc nghiệt. Loài sư tử giết nhau vì bản năng sinh tồn nhưng loài người lại giết hại nhau có khi chẳng vì lý do nào rõ ràng. Nhiều người sẽ cố hại bạn ngấm ngầm, nhất là khi bạn đã lên tới đỉnh vinh quang. Vậy nên trong cuộc sống bạn phải biết cách tự bảo vệ mình.
Khi xảy ra biến cố, chính lòng tham sẽ khiến những con người bình thường tưởng chừng vô hại nhất trở thành phường cướp bóc, kẻ sát nhân và quân trộm cắp. Lòng tham đó ẩn giấu đằng sau những bộ mặt người và sẽ lộ rõ rồi ngay khi thời cơ tới, nó sẽ tấn công chúng ta một cách bất ngờ. Hãy chấp nhận sự thật đó bởi thế giới là một nơi tàn ác. Nhiều người sẽ tiêu diệt bạn chỉ để thỏa mãn trò vui hoặc để huênh hoang với bạn bè của họ. Hãy luôn hy vọng điều tốt đẹp nhất ở mọi người, nhưng cũng phải thận trọng chuẩn bị cho điều xấu nhất.
Hãy tháo bỏ cặp kính màu hồng. Đừng quá tin tưởng người khác. Hãy hết sức cẩn trọng khi tuyển dụng nhân viên bởi nếu bạn không cảnh giác thì chắc chắn họ sẽ qua mặt bạn. Khi tuyển dụng nhân viên, hãy nhớ tuyển những người giỏi nhất nhưng đừng phó mặc tất cả cho họ.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
- Đừng quá ảo tưởng bởi thế giới là một nơi tàn ác đầy rẫy những kẻ xấu xa.
- Mọi người đều muốn tiêu diệt tay súng thiện xạ nhất.
- Loài sư tử giết nhau vì bản năng sinh tồn còn con người tiêu diệt nhau chỉ vì trò vui.
- Đừng quan tâm tới việc mọi người có yêu mến bạn hay không mà hãy làm cho họ tôn trọng bạn.
- Am hiểu về lĩnh vực của mình, bạn sẽ được người khác tôn trọng.
- Luôn hành động đúng mực để người khác tôn trọng bạn.
- Hãy tuyển dụng những người giỏi nhất, nhưng đừng quá tin tưởng họ.
- Chỉ tuyển những người có quan điểm tích cực và tránh xa những kẻ có thái độ tiêu cực.
- Hãy truyền cảm hứng cho nhân viên bằng tinh thần làm việc nhóm.
- Lòng trung thành đáng giá hơn bất kỳ điều gì khác.
- Hãy tha thứ cho những người mắc sai lầm nhưng có thành ý sửa sai.
- Không bao giờ tha thứ cho kẻ đã lừa gạt bạn.
- Hãy đề ra tiêu chuẩn cao cho bản thân và cho mọi người và kỳ vọng họ sẽ thực hiện được chúng.
No comments:
Post a Comment